Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Liên quan đến việc quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023, Chính phủ khẳng định, nội dung này tiếp tục có chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Trong năm 2023, cả nước đã mua mới 380 chiếc xe ô tô (nguyên giá 388,43 tỷ đồng), 1.146 phương tiện vận tải khác (nguyên giá 32,96 tỷ đồng) và 50.704 máy móc thiết bị (nguyên giá 3.073,25 tỷ đồng).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2023, đã cập nhật 2.236.543 tài sản với nguyên giá là 2.329.050,13 tỷ đồng.
Trong tổ chức bộ máy, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tại các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thuộc bộ, ngành.
Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện;
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, được tiếp tục rà soát, sắp xếp lại. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị, còn 46.385 đơn vị.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tổng số đối tượng tinh giản biên chế từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 là 84.140 người; trong đó, năm 2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế 7.151 người.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập. Trong thời gian tới, Chính phủ khẳng định, sẽ tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đặc biệt là đối với đất đai; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, trong tổ chức, bộ máy; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước mặc dù được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế dẫn lãng phí về nguồn lực và thời gian.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật;
“Cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Mạnh nêu.
Cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp…