Đại án Oceanbank: Không nhớ vì “tiền nhiều như lá”?

Thắm - Sơn đối chất tại tòa về khoản thiệt hại 69 tỷ của Oceanbank
Thắm - Sơn đối chất tại tòa về khoản thiệt hại 69 tỷ của Oceanbank
TP - Tại tòa, các bên liên quan đồng loạt tố nhau lừa đảo hoặc cưỡng đoạt mình trong thương vụ thâu tóm Đại Tín của Hà Văn Thắm. Cựu Phó TGĐ Oceanbank kiên quyết phủ định việc nhận tiền mà cáo trạng nêu…

3 bên tố nhau lừa đảo

Ngày 1/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án tham nhũng gần 2.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Tại tòa, nhóm cổ đông Đại Tín (tiền thân Ngân hàng Xây dựng) do bà Hứa Thị Phấn cầm đầu ủy quyền cho Ngô Kim Lan trả lời. Theo bà Lan, tháng 2/2012, Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank có mua Đại Tín từ bà Phấn. Việc chuyển nhượng diễn ra nhanh gọn và khó hiểu vì Thắm có lời lẽ đe dọa buộc bà Phấn phải chỉ đạo con cháu giao cổ phần cho Thắm. 

“Thủ tục đó có gì đó khó tả, không hiểu là dân sự hay cưỡng đoạt vì sau đó Thắm bay ra Hà Nội ngay chỉ để 1 nhân viên ký hợp đồng và cầm cổ phiếu bản gốc” - bà Lan nói.

Sau đó, Thắm cho người của mình vào Đại Tín nhưng càng vào tình hình càng xấu nên bà Phấn có xin lại cổ phần thì bị từ chối. Tháng 6/2012, Thắm đưa Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vào gặp, ép bà Phấn chuyển cổ phần cho Danh. “Việc chuyển 85% cổ phần là Thắm giao Danh, bà Phấn chỉ giao về thủ tục” – bà Lan giải thích. Sau đó, ông Danh mượn bà Phấn tài sản để vay tiền Oceanbank. Dưới sức ép của Thắm, bà Phấn phải đồng ý nên Oceanbank sau đó mới cho Danh vay 500 tỷ đồng (khiến Oceanbank thiệt hại hơn 343 tỷ đồng).

Đáp lại, Phạm Công Danh khẳng định chính bà Phấn đã chủ động bảo Danh vay tiền Oceanbank bằng tài sản thế chấp của mình. Ông giải thích: “Lúc đó, tình hình Đại Tín rất xấu, nợ xấu lên tới 95% và có nguy cơ vỡ thanh khoản… Nếu điều đó xảy ra thì trách nhiệm thuộc về bà Phấn và ban điều hành trước đó. Vì vậy, không cần ai đe dọa bà Phấn phải tự chủ động đặt vấn đề”. Có tiền, ông Danh đã yêu cầu “treo” trong tài khoản bà Phấn nhưng bà này tự lấy ra sử dụng. “Trong việc này, bà Phấn lừa tôi và có thể đã lừa cả anh Thắm” - ông Danh nói. Tuy nhiên, khi HĐXX đặt câu hỏi tại sao dòng tiền lại đi lòng vòng như vậy, ông Danh không trả lời.

Hà Văn Thắm cũng khai mình cho Phạm Công Danh vay tiền là có tác động của bà Phấn. Trước đó, chiều 28/2, Thắm cho rằng trong thương vụ Đại Tín mình đã bị lừa khi nói: “Tôi là cổ đông lớn nhất của Oceanbank, không đời nào tôi để khách hàng chiếm đoạt tiền của ngân hàng… ông Danh và Đại Tín đã lừa tôi”.

“Tiền nhiều như lá”

Đó là phát biểu của thẩm phán phiên tòa khi nói về số tiền 69 tỷ  đồng mà Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ Oceanbank nhận từ Hà Văn Thắm chỉ trong 1 năm. Đây là tiền để Sơn “chăm sóc khách hàng” theo thỏa thuận Sơn - Thắm vào năm 2009 khi Sơn được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giới thiệu sang Oceanbank làm TGĐ. Theo cáo trạng, để có tiền cho Sơn, Thắm thành lập Cty BSC nhưng nhờ người khác đứng tên. BSC tiến hành thu lãi suất vay tín dụng chêch lệch tỷ giá để lấy tiền trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Tại tòa, Thắm giải thích phải chăm sóc khách hàng vì thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất nên các ngân hàng phải trả khoản này mới có khách. Tổng cộng, Thắm có đưa hơn 69 tỷ đồng cho Sơn từ nguồn tiền của BSC và tiền của vợ mình.

Tuy nhiên, Sơn bác bỏ và khai mình không biết chủ trương này, chỉ nhận của Thắm 2 lần gồm 2,6 tỷ đồng tiền hủy hợp đồng mua căn hộ và 1,9 tỷ đồng để chi “phong bì” cho đoàn khách cấp cao nước ngoài theo đề nghị của liên doanh Vietsovpetro. Việc chuyển tiền này cũng là quan hệ cá nhân giữa Sơn và Thắm, không liên quan tới hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, một số bị cáo - đương sự khẳng định tại tòa rằng nhiều lần đưa tiền từ nguồn của Thắm cho Sơn.

Thẩm phán đặt câu hỏi: “Tại sao nhiều người đều khai đưa tiền cho bị cáo ở những thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khác nhau? Có cả em con chú ruột của bị cáo cùng khai là đưa tiền cho bị cáo? Trong 1 năm mà bị cáo nhận 69 tỷ đồng, tiền nhiều như lá vậy có thể không nhớ chính xác chứ không thể không nhớ đã nhận”.

Sơn giải thích, tuy họ đều không có thù hằn gì mình nhưng họ cũng không nhớ được những lần chuyển - nhận tiền. “Sau khi CQĐT đưa chứng từ vào họ mới bảo họ chuyển tiền cho tôi” - Sơn nói. Bị cáo này cũng bác bỏ mình chủ trương trả lãi ngoài cho khách hàng bởi bản thân làm TGĐ nhưng không phụ trách tín dụng. Sơn cũng không đại diện cho 20% cổ phần của PVN tại Oceanbank mà đại diện là Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Phó TGĐ PVN. Hoạt động trả lãi ngoài của Oceanbank bắt đầu từ năm 2010, lúc đó Sơn đã được điều chuyển về làm Phó TGĐ PVN.

Theo cáo trạng, thương vụ mua Đại Tín của Hà Văn Thắm khiến Oceanbank thiệt hại hơn 343 tỷ đồng. Trước đó, Thắm thành lập Cty BSC để thu phí tiền gửi tại Oceanbank, lấy tiền cho Nguyễn Xuân Sơn “chăm sóc khách hàng”, gây thất thoát gần 69 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.