Bạn tôi hay làm việc với đối tác Nhật kể, trước mỗi buổi họp bao giờ họ cũng dành 5-10 phút để trình bày về sơ đồ thoát hiểm của tòa nhà nơi cuộc họp diễn ra. Ai cũng biết người Nhật có tiếng đúng giờ và biết quý thời gian. Thêm việc này càng chứng tỏ họ trân trọng thời gian sống đến đâu.
Còn người Việt nhất là thế hệ trước nếu được nhắc nhở nên làm thế này thế kia để phòng khi cháy nổ sẽ có kiểu “phỉ phui” cho rằng nói gở. Và họ cứ để mọi thứ nguyên trạng mặc cho may rủi. Đó là tình trạng của phụ huynh một người bạn khác, khó tính, thích sống một mình sau nhiều lần cửa kiên cố nhưng lại mắc chứng hay quên. Kiểu quên tắt quạt, tắt bếp hay chìa khóa vứt đâu không nhớ...
Việc phát triển nhảy cóc từ làng xã lên đô thị để lại nhiều hệ lụy trong đó có chung cư tư nhân thường phát triển ở nơi vốn trước đó là làng chuyển tắt lên thành phố, không qua quy hoạch. Chỉ cần có một khu đất đủ rộng cho dù có ở trong ngách thì cũng chẳng mấy ai cấm được chủ nhân xây kín toàn bộ diện tích và chiều cao cho phép để kinh doanh chỗ ở.
Người đến ở tất nhiên phải thấy sự tiện nhiều hơn bất lợi và phong cách “chuồng cọp” lại được tự động áp dụng lên tất cả các khoảng hở, ăn chắc mặc bền, khỏi phải nghĩ. Nhưng khi đem chồng các hộ gia đình lên nhau mọi thứ sẽ khác hẳn. Toàn bộ tầng trệt để xe máy, khác nào chứa củi khô. Thêm chiếc xe điện sạc bất kể giờ giấc có giống mồi lửa?! Hẳn cũng phải có đủ những điều kiện đó đâm ra đến tận bây giờ mới có một vụ cháy kinh hoàng gây tang tóc cho bao người như chúng ta vừa chứng kiến.
Tháng Ba năm ngoái tại một cuộc họp báo, đại diện Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TPHCM đã thông báo về hiện tượng rộ lên các sự cố cháy nổ xảy ra khi sạc cho xe đạp điện, xe máy điện… tại các tầng hầm chung cư. Ngay cả với chung cư lớn, các trạm sạc này nếu làm thay đổi biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng cần phải được lập hồ sơ thiết kế, cải tạo, bổ sung gửi đến cơ quan chức năng để nghiệm thu mới được hoạt động.
Còn ở một mô hình tự phát là chung cư mini chỉ cần thêm một yếu tố chưa kiểm soát (sạc xe điện gây quá tải hệ thống điện sẵn có) sẽ dễ dẫn đến tai nạn hay thảm họa. Từ sau bài học phải trả giá đắt này, nhiều chung cư đã cho chuyển các bãi sạc xe điện ra ngoài trời. Còn không ít chung cư mini thẳng tay loại các chủ sở hữu xe điện khỏi danh sách khách trọ nếu họ không chịu vứt xe đi.
Hà Nội đang đặt chỉ tiêu diện tích ở 28,2m2/người từ nay đến năm 2025. Còn cách đây khoảng 40 năm, hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh chung sống trong 6m2. Đó là cảm hứng cho Lưu Quang Vũ viết bài “Nhà chật”. Mô tả tình trạng sách vở sánh đôi cùng nồi niêu, khi nằm mơ quờ tay chạm vào thùng gạo. Trong tổ ấm đó họ có giận dỗi cũng không thể quay mặt đi đâu khác. Tác giả liên tưởng căn nhà nhỏ như con thuyền, và kết bài: “Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời”.
Điều mấu chốt ở đây ô cửa sổ. Không biết nếu sống sau ô chuồng cọp, nhà thơ sẽ viết gì... Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn những ô cửa, để nguồn sống, hy vọng và tương lai còn có chỗ ùa vào.