Công tố viên đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội hình sự Boeing

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nguồn tin của Reuters, các công tố viên Mỹ đang khuyến nghị các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc hình sự đối với Boeing sau khi phát hiện nhà sản xuất máy bay đã vi phạm thỏa thuận giải quyết liên quan đến hai vụ tai nạn chết người.

Bộ Tư pháp phải quyết định trước ngày 7/7 có nên truy tố Boeing hay không. Kiến nghị của các công tố viên xử lý vụ án chưa từng được đưa tin trước đây.

Vào tháng 5, các quan chức xác định công ty đã vi phạm thỏa thuận năm 2021 vốn bảo vệ Boeing khỏi cáo buộc hình sự về âm mưu lừa đảo phát sinh từ hai vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019 liên quan đến máy bay phản lực 737 MAX.

Theo thỏa thuận năm 2021, Bộ Tư pháp đồng ý không truy tố Boeing về những cáo buộc họ lừa gạt Cục Hàng không Liên bang Mỹ miễn là công ty này xem xét lại các hoạt động tuân thủ của mình và nộp báo cáo thường xuyên. Boeing cũng đồng ý trả 2,5 tỷ USD để giải quyết cuộc điều tra.

Boeing từ chối bình luận về vụ việc. Trước đó, Boeing đã tuyên bố luôn “tôn trọng các điều khoản” của thỏa thuận năm 2021, có thời hạn 3 năm và được gọi là thỏa thuận hoãn truy tố. Boeing đã nói với Bộ Tư pháp rằng họ không đồng ý với quyết định cho rằng công ty đã vi phạm thỏa thuận dàn xếp, Reuters đưa tin.

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp từ chối bình luận về vụ việc.

Công tố viên đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội hình sự Boeing ảnh 1

Boeing được cho là vi phạm thỏa thuận giải quyết liên quan đến hai vụ tai nạn chết người.

Theo nguồn tin của Reuters, hai bên đang thảo luận về một giải pháp tiềm năng cho cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Các cáo buộc hình sự sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Boeing. Công ty này đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các công tố viên, cơ quan quản lý và các nhà lập pháp Mỹ sau khi một chiếc máy bay Boeing 737 MAX do hãng hàng không Alaska Airlines khai thác bị bung cửa ở phần thân vào ngày 5/1, chỉ hai ngày trước khi thỏa thuận năm 2021 hết hạn.

Nói về các trường hợp có thể xảy ra, một nguồn tin cho biết có thể Bộ Tư pháp sẽ đưa ra các cáo buộc mới, vượt ra xa hơn cáo buộc âm mưu gian lận thỏa thuận vào năm 2021. Mặt khác, thay vì truy tố Boeing, Bộ Tư pháp Mỹ cũng có thể gia hạn thỏa thuận năm 2021 thêm một năm hoặc đề xuất các điều khoản mới, chặt chẽ hơn, các nguồn tin cho biết.

Ngoài các hình phạt tài chính, các biện pháp giải quyết nghiêm khắc nhất thì Bộ Tư pháp Mỹ cũng có thể yêu cầu công ty thừa nhận hành vi sai trái của mình bằng cách nhận tội.

Một nguồn tin cho biết, Boeing có thể sẵn sàng trả tiền phạt và đồng ý giám sát, nhưng việc nhận tội có thể dẫn đến các hạn chế kinh doanh bổ sung, điều này gây tổn hại quá lớn. Hiện nay, Boeing đạt được doanh thu đáng kể từ các hợp đồng với chính phủ Mỹ, bao gồm cả Bộ Quốc phòng. Các hợp đồng này có thể bị ảnh hưởng nếu công ty bị kết án.

Người thân của các nạn nhân trong hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận năm 2021, cho rằng các quan chức Bộ Tư pháp lẽ ra phải truy tố công ty và các giám đốc điều hành của công ty.

Tại phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 6, Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun thừa nhận những thiếu sót của công ty về an toàn và xin lỗi những gia đình đã mất người thân.

Tuần trước, các gia đình đã đề nghị các công tố viên yêu cầu mức phạt gần 25 tỷ USD đối với nhà sản xuất máy bay và tiến hành truy tố hình sự.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG