Muốn mua phụ liệu trong nước, nhưng…
“Công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may chủ yếu là các phụ kiện như dây kéo, nút, chỉ… tuy mang tiếng “phụ trợ” nhưng rất quan trọng. Tất cả các yếu tố phải hoàn hảo mới cho ra đời một sản phẩm trọn vẹn. Chỉ cần một yếu tố bị lỗi, toàn bộ sản phẩm bị đánh giá kém chất lượng” – ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh) khẳng định.
Ông Quang Anh thừa nhận dù CNHT trong ngành dệt may đã được cải thiện so với trước nhưng vẫn còn rất yếu. Hầu hết các nguyên phụ liệu kiểu phụ kiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc, trong khi hàng trong nước sản xuất không đa dạng về mẫu mã, không đẹp, giá thành lại cao.
Dẫn chứng cụ thể, theo lãnh đạo Công ty Dony, đơn vị đang làm đơn hàng xuất khẩu đi Malaysia với sản phẩm là áo đầu bếp. Trên áo có nút bấm rất quan trọng với yêu cầu chỉ cần cầm giữa áo rồi giật là các nút sẽ rời hết ra chứ không phải gỡ từng nút. Do đó, các nút bấm này nếu không tốt, khi người dùng kéo mạnh, sẽ dễ bung hoặc bị lỏng chỉ sau vài tuần sử dụng. Chưa kể, sản phẩm nút bấm đòi hỏi phải chắc, không bị thay đổi kích thước, không bị kém chất lượng, gỉ sét khi giặt…
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm dệt may trong nước. Ảnh: Uyên Phương |
“Chúng tôi rất muốn mua loại nút bấm này ở Việt Nam để tiết kiệm thời gian, mua số lượng vừa đủ dùng, giảm khâu hồ sơ thuế quan nhập khẩu… nhưng dù “tìm đỏ mắt”, hầu như các sản phẩm trong nước không đáp ứng yêu cầu về độ dẻo, độ cứng. Khi tìm được nguồn hàng vừa ý, giá lại đắt gần gấp đôi so với nhập khẩu. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải nhập hàng từ nước ngoài dù luôn muốn ưu tiên hàng nội” – ông Quang Anh nói.
Giới thiệu những mẫu áo thể thao, quần áo trượt tuyết đang được xuất khẩu vào thị trường Đan Mạch, Mỹ, Đức…, bà Lê Nguyễn Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam chia sẻ, từ nhiều năm qua, công ty đã sử dụng công nghệ về thiết kế, rập, công cụ hỗ trợ trong quá trình may như máy may lập trình, công cụ giúp công nhân tay nghề chưa cao có thể may công nghiệp hàng loạt, đơn giản.
“CNHT trong lĩnh vực dệt may hiện còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, giá cả đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát nên đơn hàng có xu hướng giảm hơn trước. Tình hình khó khăn dự báo còn kéo dài. Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển đón đầu để đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất; kết hợp các doanh nghiệp trong nước để sản xuất và dần tự chủ về vải vóc, nguyên phụ liệu” – bà Nhã cho biết.
Bà Võ Thị Nhi, chủ cơ sở Vĩnh Nhi chuyên sản xuất khóa kéo, nút áo và những phụ liệu cho ngành may mặc cho rằng, lý do ngành CNHT chưa có đóng góp nhiều cho lĩnh vực dệt may một phần vì doanh nghiệp may mặc chủ yếu làm hàng gia công, nguyên phụ liệu đều được khách hàng đặt hàng và cung cấp.
“Chỉ tính một sản phẩm phụ trợ rất nhỏ như nút áo chúng ta đã sản xuất được, nhưng công ty may mặc hiện chủ yếu gia công sản phẩm rồi xuất sang nước ngoài nên nút áo cũng do phía nước ngoài gửi qua. Sản phẩm CNHT dệt may trong nước làm ra không bán được, từ đó không còn ai mặn mà đầu tư, cải tiến máy móc, chất lượng sản phẩm nữa. Thời gian qua, TP.HCM có định hướng chuyển đổi phương thức kinh doanh của ngành may từ gia công sang làm chủ thiết kế nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu ứng", bà Nhi nói.
Phải cùng liên kết
Theo nhiều chuyên gia trong ngành dệt may, lĩnh vực này đang đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững với mức tăng trung bình từ 8 - 15%/năm, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngành CNHT chưa bắt kịp sự phát triển của ngành may xuất khẩu. Đặc biệt là các công đoạn dệt, nhuộm, in… Vì vậy, dệt may Việt Nam đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dệt nhuộm là chủ trương lớn để tiến tới phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển nhà máy dệt nhuộm còn nhiều khó khăn, bởi ngành này đang được cho là gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, sắp tới sẽ cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào dệt nhuộm nhưng chú trọng vào công nghệ mới, đạt chuẩn đối với hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo phát triển ngành hiệu quả phải đi đôi với bền vững môi trường, tiến tới ngành Dệt may xanh phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Giám đốc Công ty V.N.F (quận Bình Tân) đánh giá, gần đây đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều. “Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may rất cần sự điều tiết từ Nhà nước, có những ưu tiên, cần sự chung tay của những doanh nghiệp lớn để đầu tư nhà máy, khuyến khích doanh nghiệp may mặc sử dụng phụ liệu trong nước, tạo động lực cũng như đầu ra cho sản phẩm CNHT dệt may” – bà Châu đề nghị.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết, hiện các nguyên liệu phụ liệu dệt may trong nước đều nhập khẩu, trong đó phần lớn nhập từ Trung Quốc vì giá cả từ tương đối phù hợp do họ sản xuất sản lượng lớn nên giá thành rẻ hơn, còn nếu mình đặt hàng ở nơi khác với sản lượng nhỏ thì giá sẽ cao hơn” – ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, trước khó khăn về nguyên liệu của ngành dệt may, doanh nghiệp đã tìm cách để vượt khó như tìm thị trường mới là Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ để bổ sung sự thiếu hụt. Các doanh nghiệp trong nước cũng tìm cách kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.
“Việc tránh phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc chắc chắn sẽ khó. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ ở khâu chính sách, cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau mạnh mẽ hơn thì mới có vượt qua trở ngại về sự phụ thuộc này nhằm tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước” - ông Hồng phân tích.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, để tạo tiền đề phát triển ngành dệt may bền vững, cần thiết phải quy hoạch, hình thành Trung tâm thiết kế thời trang tại TPHCM – địa phương đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Đây là “sân chơi” cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp thời trang khu vực phía Nam và của cả nước.
Trung tâm thời trang có thể được xem là hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông qua các chức năng chính: đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu, khu lưu trú cho người lao động, giúp tạo động lực phát triển ngành dệt may.