Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Trường học cách mạng sau song sắt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tính tới ngày đất nước thống nhất năm 1975, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm

Người hướng dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống bảo tàng và di tích tại Côn Đảo là anh Đỗ Quốc Vương- một trong những hướng dẫn viên kỳ cựu tại Côn Đảo. Anh Vương cho biết tính tới ngày đất nước thống nhất năm 1975, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo đã tồn tại được 113 năm. Trong 113 năm đó, từ chính quyền thực dân Pháp tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng hệ thống nhà tù lớn nhất tại Việt Nam với 7 trại giam, 2 khu biệt lập và 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập.

Địa ngục trần gian

Dấu ấn rõ nét nhất của tội ác thực dân là chiếc cầu tàu có tên 914- số tù nhân chính trị đã chết khi xây dựng cầu tàu. Năm 1873, để thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ từ đất liền đến Côn Đảo, thực dân Pháp bắt những tù nhân yêu nước đi lao động khổ sai xây cầu tàu. Cầu tàu có chiều dài 107m được xây dựng bằng đá hộc, những người tù đã phải đập đá ở ven núi rồi đưa tới đây. Tất cả các công việc đều làm bằng dụng cụ thô sơ, người tù phải mang vác đá bằng vai trần. Công việc nặng nhọc, điều kiện sống khắc nghiệt cùng những đòn roi tra tấn dã man của cai ngục khiến 914 người phải bỏ mạng. Và tên cầu 914 là để tưởng niệm những người đã ngã xuống nơi đây.

Ở “địa ngục trần gian”, nguyện vọng tha thiết của anh em tù chính trị là có ảnh Bác Hồ trong những buổi kết nạp Đảng, buổi họp Chi bộ hoặc những dịp lễ đặc biệt. Không thể gửi ảnh Bác từ ngoài vào, anh em tù nhân đã tạo dựng hình ảnh Bác từ trái tim.

Một dấu ấn khác về những tội ác của giặc ngoại xâm là Bãi sọ người. Chuyện kể rằng, vào tháng 6/1862, những tù nhân Việt Nam bị đày tới Côn Đảo không chịu nổi chế độ giam giữ hà khắc nên đã nổi dậy, đốt phá nhà tù và buộc tên chúa đảo phải lên tàu chạy trốn. Tuy nhiên sau nửa tháng, thực dân Pháp quay trở lại đảo truy lùng tất cả tù nhân. Hơn 100 tù nhân bị giết chết trong cuộc truy lùng trả thù ấy. 20 người bị bắt phải đào một ngôi mộ để chôn những bạn tù. Khi lấp ngôi mộ tập thể đó, giặc Pháp đã đẩy luôn 20 người tù còn sống chôn sống họ.

Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Trường học cách mạng sau song sắt ảnh 1

Những bức tranh tù chính trị tại Côn Đảo đã vẽ Bác Hồ bằng trí nhớ và sự tưởng tượng

Còn tại trại Phú Hải sau đó hơn 50 năm cũng có một cuộc thảm sát ghê rợn không kém. Đó là vào ngày 14/2/1918, để đàn áp những người tù nổi loạn, chúa đảo Anduoard đã ra lệnh xả súng bắn thẳng vào những người tù trong sân trại. Hơn 80 người tù đã chết trong cuộc thảm sát đẫm máu này.

Trong 113 năm là “Địa ngục trần gian”, thời cao điểm hầu như không có ngày nào trên mảnh đất Côn Đảo lại không có những người tù ngã xuống. Từ điều kiện ăn ở thiếu thốn, từ những hình thức tra tấn đàn áp dã man của quản ngục rồi những trò giam cầm hành hạ ở khu Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò đến hầm Xay lúa… người tù nào trải qua nếu không chết thì cũng thân tàn ma dại. Nhiều địa danh nơi đây đã gắn cái chết của rất nhiều người tù như cầu Ma Thiên Lãnh, sở Củi, sở Lưới, sở Vôi… 113 năm tồn tại của “địa ngục trần gian”, trên 20 ngàn người tù đã vĩnh viễn nằm lại trên hòn đảo này. Cho đến tận hôm nay, tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương (Côn Đảo) mới chỉ có gần 2.000 ngôi mộ được tìm thấy, trong số đó chỉ có 1/3 ngôi mộ có tên người. Còn lại thân xác của hơn 18 ngàn người tù khác hiện vẫn bị vùi lấp đâu đó dưới cỏ cây, đất đá hay hòa trong biển cả.

Trường học cách mạng

Trước khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (năm 1930), tại Côn Đảo, những người tù yêu nước đã tổ chức các phong trào đấu tranh đòi nhân quyền. Thời điểm đó, những người tù yêu nước chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng cải lương tư sản, nên chủ trương đấu tranh không bạo động. Với hình thức đấu tranh chủ yếu bằng thơ ca hò vè, mà tiêu biểu là bài thơ “Đập Đá” của Phan Chu Trinh.

Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Trường học cách mạng sau song sắt ảnh 2

Những bức tượng sáp minh họa lại sự dã man của kẻ thù tại hầm Xay lúa

Khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, những người tù cộng sản ra Côn Đảo đẩy phong trào đấu tranh tiến lên tầm cao mới. Từ trong song sắt của ngục tối, những người cộng sản đã biến nơi đây thành trường học cách mạng. Năm 1932, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được thành lập tại Côn Đảo do ông Nguyễn Hới làm Bí thư. Chi bộ lãnh đạo các cuộc đấu tranh của tù nhân như chống lại những chính sách tàn ác của thực dân với người tù, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt… Ngoài ra Chi bộ nhà tù Côn Đảo còn tuyên truyền giác ngộ những tù nhân thường phạm, đưa họ vào hàng ngũ đấu tranh chung có tổ chức, kỷ luật.. hay là cảm hoá những tù hình sự hung hãn, lưu manh thành những người tốt.

Theo anh Vương, vượt qua mọi khó khăn những người tù đã nghĩ ra cách học tập bằng cách giấu những mẩu gạch vỡ khi đi lao động khổ sai để đêm đến, trên nền xi măng những người tù tổ chức các lớp học, người biết chữ dạy cho người chưa biết, người am hiểu về Luận cương chính trị thì giảng giải cho các anh em tù khác. Chi bộ còn tổ chức lược dịch nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mac - Lê Nin cho các lớp học chính trị.

Từ năm 1946, những người tù cộng sản bị đày ra Côn Đảo ngày càng đông, chính vì thế năm 1950, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo. Vai trò của Đảng ủy Côn Đảo ngày càng to lớn. Nhiều phong trào lớn đã diễn ra trong suốt thời gian dài như phong trào chống ly khai, chào cờ địch, phong trào đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập và ngược đãi tù nhân, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, đòi được chữa bệnh khi ốm đau, đòi được nhận thư từ sách báo… do Đảng ủy Côn Đảo phát động đã lôi kéo rất nhiều tù nhân tham gia, nhiều tù nhân dù không phải người cộng sản nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh quên mình.

Anh Vương kể lại trường hợp của người Anh hùng có tên Cao Văn Ngọc. Cao Văn Ngọc không phải là đảng viên cộng sản, ông được giác ngộ vì khâm phục ý chí, tinh thần người cộng sản. Khi bị giam ở Chuồng cọp do tham gia phong trào đấu tranh chống ly khai, thấy ông đã hơn 60 tuổi, nhiều bạn tù đã khuyên ông chấp nhận “Ly khai”, nếu không sẽ chết nhưng ông thẳng thắn: “Tôi già rồi, sướng có, khổ có, đủ cả rồi, nay chỉ còn thiếu chết cho cách mạng”. Bao nhiêu ngày đêm nhịn đói nhịn khát, bị đánh đập dã man nhưng Cao Văn Ngọc giữ vững tinh thần, quyết không ký vào bản ly khai. Bạn tù gọi ông là “ông già chuồng cọp” và tinh thần đó của ông đã truyền thêm sức mạnh cho những người tù khác cùng tham gia đấu tranh. Biết nếu để Cao Văn Ngọc tiếp tục đấu tranh sẽ tác động mạnh mẽ tới các tù nhân nên kẻ địch đã tăng cường đàn áp. Trong trận khủng bố đêm 27/3/1961, địch đã đánh chết 5 tù nhân tham gia chống ly khai, trong đó có “ông già chuồng cọp” Cao Văn Ngọc.

MỚI - NÓNG