Côn Đảo xa và gần...

Côn Đảo xa và gần...
TP - Giữa đêm khuya nghĩa trang Hàng Dương dưới ánh đèn năng lượng mặt trời mờ ảo. Tiếng chân bước rào rạo trên đường rải đá và gió khe khẽ lay ngọn cây. Mộ chị Võ Thị Sáu ở trung tâm khu B. Anh nhân viên bảo vệ nghĩa trang bật đèn điện cho chúng tôi thấy rõ lối đi vào mộ chị.

> Ứng dụng địa bức xạ tìm mộ liệt sỹ Côn Đảo
> Khai trương đường bay Côn Đảo - Cần Thơ

Hàng bàng cổ thụ giữa khu trại giam khét tiếng ngày xưa Ảnh: S.N
Hàng bàng cổ thụ giữa khu trại giam khét tiếng ngày xưa. Ảnh: S.N.
 

Trước phần mộ đã có nhiều hoa tươi và trái cây ai đó cúng viếng. Chúng tôi thắp hương, chưa kịp quay lưng đã có đoàn người khác tiến vào. Dòng người liên tục như không dứt.

Anh nhân viên bảo vệ Nguyễn Ngọc Minh nói nhỏ: người viếng có đêm kéo dài đến một, hai giờ sáng, trời mưa cũng kệ. Anh Minh quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), làm bảo vệ từ năm 2002. Người viếng đông về đêm bắt đầu từ khoảng hai năm nay, khi có tin đồn lúc nửa đêm viếng chị Võ Thị Sáu sẽ linh.

Hương hồn chị Võ Thị Sáu đã trở thành một phần đời sống tinh thần Côn Đảo với nhiều huyền thoại, kể từ buổi sáng 23-1-1952 địch xử bắn chị ở tuổi 19. Chị là người phụ nữ duy nhất trong lớp tù nhân kháng Pháp (1946-1954) bị đưa ra Côn Đảo hành hình.

Ở Côn Đảo vỏn vẹn một ngày một đêm, buổi chiều trước hôm ra pháp trường, chị đi dạo đã ngắt một bông hoa dừa đất nâng niu ngắm nghía, khiến nhiều bà vợ của giám ngục được chứng kiến phải sững sờ.

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 19ha, mới cắm bia được 1.919 ngôi mộ, trong đó 713 ngôi mộ có danh, còn lại khuyết danh.

Chị Phạm Thị Tám, Phó ban Quản lý Di tích Côn Đảo kể: đã có lúc nhờ các nhà ngoại cảm nhưng cùng một ngôi mộ, nhà ngoại cảm này xác định tên này, nhà ngoại cảm khác lại xác định tên khác nên sau đó quyết định để yên di tích. Một nắm đất ở đây có khi xương cốt của nhiều người...

Cầu tàu 914, cái cầu tàu xây dựng khiến 914 tù nhân bỏ mạng, ban đêm cũng có nhiều người đến thắp hương viếng. Nhiều địa điểm khác nữa, 19 di tích có tên và những di tích chưa đặt tên ở Côn Đảo đều ấm hương khói, đang được giữ gìn để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh.

Côn Đảo còn chú trọng phát triển du lịch sinh thái đảo-biển nghỉ dưỡng chất lượng cao. Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Bùi Văn Bình giới thiệu, trước đây Côn Đảo có lúc phát triển đánh bắt hải sản nhưng từ năm 2005 đã chuyển hướng, hạn chế ngành nghề hải sản và tập trung những cơ sở đã có về nam đảo, để bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Với 76 km2, chưa đến 7.000 người, rừng chiếm xấp xỉ 80% diện tích, mà theo ông Chủ tịch MTTQ huyện Võ Hoàng Phương ở đảo từ ngày giải phóng, là được bảo vệ tốt, nên Côn Đảo đang rất trong lành. Đường phố vắng vẻ yên bình, bãi biển thoai thoải cát mịn nước trong veo.

Con đường từ sân bay Cỏ Ống về khu trung tâm dài 13 km chạy giữa rừng núi hoang sơ, nhiều đoạn được trồng thêm một bên hoa bằng lăng và bên kia hoa giấy; còn con đường từ trung tâm xuống Bến Đầm dài 12 km nhiều đoạn chạy bên ao sen hoặc mép biển lộng gió.

Buổi sáng yên tĩnh vịnh Côn Sơn
Buổi sáng yên tĩnh vịnh Côn Sơn.
 

Chị Nguyễn Thanh Vân, Trưởng ban Quản lý Di tích Côn Đảo, cho biết, trước kia ra đảo còn khó khăn, mỗi năm chỉ có chừng vạn lượt khách; từ năm 2008 máy bay tăng chuyến nên năm 2009 tăng lên gần 25.000 lượt khách, năm 2010 gần 36.000 lượt khách, 5 tháng đầu năm 2011 đã hơn cả năm 2009. Từ tháng 6 này, mở thêm đường bay Côn Đảo-Cần Thơ thì khách du lịch sẽ còn đông hơn nữa. Trong đó, khách nước ngoài chiếm khoảng 5%.

Phó Bí thư Huyện ủy Côn Đảo Nguyễn Văn Hãnh giới thiệu, huyện có 10 khu dân cư trực thuộc (không có cấp xã). Cơ cấu kinh tế năm 2010, dịch vụ chiếm xấp xỉ 80%; công nghiệp-xây dựng 12%, nông-ngư nghiệp hơn 8%. Cả huyện chỉ còn dăm chục hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Côn Đảo bây giờ không còn xa với đất liền. Đã có khu nghỉ dưỡng cao cấp Six Senses, Khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo…

“Nếu đông khách hơn là khó khăn về nơi nghỉ” - Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Bình nói. Nên Côn Đảo không thể phát triển du lịch ba lô mà phải phát triển du lịch chất lượng cao. Điện nước sinh hoạt cũng có hạn.

Côn Đảo ngày càng đẹp và giàu. Côn Đảo cũng ngày càng thiếu đất để xây dựng công trình cần thiết.

 

Côn Đảo đang sử dụng nhiệt điện chạy dầu, mỗi năm phải bù lỗ 21 tỷ đồng; có một doanh nghiệp Thụy Sỹ đến nghiên cứu điện gió nhưng khủng hoảng kinh tế nên còn tạm dừng. Nước sinh hoạt nhờ chặn suối đắp hồ, xử lý rồi dẫn về các khu dân cư, khối lượng không phải vô hạn.

Phát triển du lịch chất lượng cao còn gặp khó về nguồn nhân lực. Chủ tịch huyện Bùi Văn Bình kể, khu nghỉ dưỡng cao cấp Six Senses Côn Đảo trước khi đi vào hoạt động, địa phương đề nghị tuyển lao động tại chỗ để giải quyết việc làm.

Tập đoàn tuyển 200 lao động trẻ nhưng chỉ có 2 người làm việc trong nhà, còn 198 người làm việc ngoài trời, do không có tay nghề. Hoặc sân bay Cỏ Ống hiện máy bay chưa lên xuống được ban đêm, làm thế nào đáp ứng nhu cầu cấp cứu của khách du lịch chất lượng cao? Cũng ông Bình cho biết, có trường hợp khách nước ngoài bị bệnh đột ngột giữa đêm, để máy bay hạ và cất cánh, phải đem mấy chiếc ô tô nổ máy chiếu sáng đường băng.

Học hành và chữa bệnh chính là hai mối trăn trở lớn nhất ở Côn Đảo hiện nay. Huyện mong muốn các trường học, bệnh viện trong đất liền mở cơ sở trên đảo. Và như thế, cần đất xây dựng.

Giá đất ở Côn Đảo đang tăng chóng mặt. Căn biệt thự một tầng nằm bên đường Tôn Đức Thắng hướng ra vịnh Côn Sơn với khuôn viên 500 m2, gia chủ kêu giá một triệu USD (xấp xỉ 21 tỷ đồng).

Cô chủ quán cà phê trên đường Trần Phú cho biết, giá đất nhà cô một mét vuông cỡ 10 triệu đồng. Giá như thế tương đương một số đường lớn ở trung tâm thành phố Cần Thơ. Đất vườn bên chân núi, giá mỗi mét vuông trên dưới triệu đồng.

Chánh Văn phòng UBND huyện Nguyễn Tấn Hóa kể, hơn chục năm trước, một lô đất ở khu trung tâm vài trăm mét vuông chỉ dăm triệu đồng; giá đất tăng nhanh những năm gần đây khi có nhiều người từ đất liền ra mua. Đồng nghiệp của chúng tôi ở Côn Đảo cho biết, có người ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin nhờ tìm đất bên đường Võ Thị Sáu, giá nào cũng mua.

Nếu vậy, người kinh doanh sẽ khó chen chân để giải quyết những trăn trở của Côn Đảo. Côn Đảo chỉ có khoảng 1.000 ha đất cho xây dựng, gồm 300 ha ở khu sân bay Cỏ Ống và 700 ha ở khu trung tâm. Khi người kinh doanh khó chen chân thì khó thực hiện Đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25-10-2005 “phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG