Vượt thoát một Côn Đảo chính mình

Vượt thoát một Côn Đảo chính mình
TP - Ở tuổi 83, chiến sĩ cách mạng lão thành Đoàn Duy Thành vẫn đi lại lanh lẹ. Và mẫn tiệp lạ. Nhiều câu chuyện đã qua, dưới cái nhìn của ông, vẫn nguyên tính thời sự.

> Tọa đàm tác phẩm về Bác Hồ của ông Đoàn Duy Thành

Đã 60 năm tròn kể từ ngày xảy ra cuộc vượt ngục Côn Đảo. Ký ức về thời điểm bi hùng ấy may mà còn loáng thoáng với hậu thế qua cuốn Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán.

Năm nay, dịp 60 năm, sự kiện lịch sử này đã được Nhà nước chuẩn bị tổ chức trọng thể. Nhiệm vụ đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng giao cho nhiều Ban ngành chủ trì trong đó có Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo.

Tôi đã tìm gặp vị Trưởng Ban Liên lạc 83 tuổi ấy. Ông là Đoàn Duy Thành...

Phải là dung lượng, thời lượng của những cuốn sách dày, bộ phim nhiều tập mới tải hết sự kiện Đoàn Duy Thành.

Những năm 80 về Hải Phòng, hội nghị nào mời được ông Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành đến dự là xúm đông xúm đỏ. Người ta muốn tận mắt ngó cái người từng chỉ đạo và tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14, lấn ra biển một diện tích ngang với huyện Tiên Lãng.

Riêng việc đắp đê đường 14 đã thành lập thêm được hai xã. Để ghi nhớ công lao của Đoàn Duy Thành, nên đã đặt tên xã mới là Hải Thành và Tân Thành.

Có một chuyện là lạ như minh chứng cho sự quyền biến của Đoàn Duy Thành. Thời gian ông bị đày ra Côn Đảo, Chi bộ Đoàn Xá nhận được 3.000 đồng tiền Đông Dương của Thành ủy Hải Phòng gửi cho đoàn tù của Đoàn Xá sắp đi Côn Đảo.

Ông Thành đã dùng số tiền đó mua 10 chỉ vàng đánh thành nhẫn mở. Với cương vị Bí thư Chi bộ đoàn tù, ông phân công 10 người đeo chiếc nhẫn mở ấy vào... quy đầu! Qua nhiều lần bị khám xét kỹ càng, anh em vẫn mang được số ngân quỹ ấy cho tổ chức ở Côn Đảo.

Sau này quen biết và có nhiều dịp ngồi với ông, cứ tiếc nếu ông dư dả thời giờ, tỉ mẩn làm hẳn một ghi chép dài hơi về những năm tháng ấy. Năm tháng mà TBT Lê Duẩn thường xuyên về Hải Phòng (không hẳn là vì phu nhân TBT công tác ở Báo Hải Phòng) miền Bắc khi ấy hiếm nơi nghỉ mát gần Thủ đô ngoài Đồ Sơn, Tam Đảo.

Ông Thành kể lại thường TBT về Đồ Sơn nghỉ qua đêm, cho gọi Bí thư Thành ủy xuống. Thường là công việc. Nhưng không phải lúc nào cũng công việc. Có đêm chỉ hai người. Bầu không khí thoải mái thân tình do TBT tạo ra đã khiến có những câu chuyện không đầu không cuối kéo đến suốt đêm.

Lúc đầu đôi khi ông giật thột, mình có quá, có nhỡ lời? Nhưng về sau ông cũng chả để ý và thường cuốn vào các cuộc gặp những câu chuyện và tranh luận một cách tự nhiên. Cứ như vài ba chuyện mà ông trích đoạn, được biết thêm TBT Lê Duẩn là người đọc khá nhiều.

Chẳng hạn không biết ông tiếp cận với Luận Ngữ với Đạo Đức Kinh từ bao giờ? Có buổi TBT với ông qua một phần đêm cùng tranh biện Luận Ngữ... Hóa ra TBT không bạo liệt áp đặt như vài ý kiến này khác. Mà lắm khi TBT hoãn, nhường. Hoãn nhường đây không có nghĩa là thua.

Mà TBT bảo gác lại có dịp sẽ tiếp tục... Một điều thú vị là ông góp phần giãi mã chất giọng TBT. Chưa hẳn chất giọng Quảng Trị với những âm sắc cứ ríu vào nhau đôi lúc nghe khó. Mà dường như ngôn ngữ, mà dường như phát âm của TBT không theo kịp cái đà tư duy và suy nghĩ nên người ta thấy ông nói đôi lúc như nuốt mất lời...

Chưa có dịp trích ra những tiếc nuối của ông thời điểm Giá Lương Tiền trước Đổi Mới... Với cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại thương rồi Phó Thủ tướng, vai trò và những đóng góp những quyết sách của ông trên thực tế có vẻ như lúc đậm lúc nhạt?

Mà ông, như đã nói, vốn thân thiết với TBT... Hay là vào những thời điểm TBT Lê Duẩn lâm trọng bệnh rồi mất vào tháng 7 năm 1986 thiếu sự cổ xúy khích lệ lẫn quyết đoán này khác? Dấu ấn Đoàn Duy Thành góp phần chữa cháy lạm phát hẳn nhiều người còn nhớ?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành (người ngoài cùng bên trái, hàng trước) về thăm huyện Kiến An và nghe báo cáo về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh chụp lại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành (người ngoài cùng bên trái, hàng trước) về thăm huyện Kiến An và nghe báo cáo về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp.
Ảnh chụp lại.

Năm 1986, mất mùa liên tiếp, hàng hoá khan hiếm, lạm phát phi mã. Nền kinh tế trong nước đang đứng trên bờ vực thẳm. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia của WB và IMF dự kiến, Việt Nam cần phải có 1,7 - 3 tỷ USD. Tại thời điểm đó, số tiền vài tỷ đô là vượt quá khả năng của nền kinh tế.

Trên cương vị là Bộ trưởng Ngoại thương, ông đã trình bày phương án trong một Hội nghị cho nhập khẩu 160 tấn vàng. Và việc triển khai ra sao, bây giờ nhiều người vẫn kể lại câu chuyện này như một thứ giai thoại.

Việc cho nhập khẩu vàng bán lấy chênh lệch, giải quyết lạm phát. Giải pháp này lúc đó đã không được chấp nhận vì: “vàng chưa cần bằng lương thực…”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không phản đối nhưng cũng không kết luận kiến nghị của ông. Giờ giải lao, ông trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, sau khi thuyết phục được Chủ tịch Phạm Hùng, ông gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Ông đã thuyết phục được Tổng Bí thư đồng ý. Trong vòng 2 năm, các đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhập khẩu vàng với số lượng 160 tấn, quả là một con số ít ai có thể hình dung được. Nhờ những chính sách linh hoạt như vậy, đến năm 1990, mức lạm phát chỉ còn 67%, giảm hơn 10 lần…

...Trong câu chuyện những lần đứt nối, hơi láng máng biết qua những bộc bạch của ông. Trong hệ thống khi ấy, ông chỉ là thiểu số phải phục tùng đa số. Không thể chủ động như những việc ông làm ở Hải Phòng. Những việc đó dường như là Đổi Mới trước Đổi Mới vậy.

Những năm 80, khi đó ông là Bí thư Thành Ủy, ông phản đối Chỉ thị 12 (Chỉ thị của Ban Bí thư Khóa V về Xây dựng kinh tế) với lý do ta đang thiếu vốn, cán bộ quản lý kinh tế thiếu, yếu.

Đảng cầm quyền thì chi tiêu của Đảng phải do ngân sách nhà nước cấp tại sao Đảng phải làm kinh tế để chi tiêu... Ban Bí thư đồng ý riêng cho Hải Phòng không làm.

Khi ông rời Hải Phòng, thành phố này lại thực hiện Chỉ thị 12. Một đồng chí Phó VP Thành ủy được cử làm GĐ Cty sau 2 năm làm mất hơn 1 tỷ đồng. Một tỷ khi đó trị giá hơn 200 cây vàng! Sau 20 năm Chỉ thị 12 mới được sửa.

Kể lại chuyện ấy, ông coi đó là ví dụ của buông lỏng quản lý tạo điều kiện cho tham nhũng hoành hành sau này. Mà tiền lệ đã có từ những năm 80 như thế!

Rồi Hải Phòng cũng là địa phương đầu têu trong 3 tỉnh thành của cả nước bất tuân thượng lệnh không thực hiện Chỉ thị Z30 Tuyệt mật tịch thu những nhà 2, 3 tầng mới xây những năm 80.

Một dạo có những xầm xì này khác nghi vấn về thời gian ông ở tù Côn Đảo. Oái oăm, người khởi xướng việc kiện ông là một cán bộ có cỡ... Rồi những xầm xì cũng qua đi khi ông được minh oan.

Bữa gặp, ông viết vào sổ tay của tôi một bài thơ chữ Hán (đến bây giờ vẫn chưa biết tác giả?) Xảo yếm đa lao chuyết yếm nhàn/ Thiện hiểm nhu nhược chuyết hiềm ngoan/ Phú tao tật đố bần tao tiện/ Cần viết tham lam kiện viết kiên (tạm hiểu: Khéo tay chê là vất vả. Vụng về chê là lười biếng. Làm điều thiện chê là nhu nhược. Làm điều ác bảo là khốn nạn. Giàu có thì bị ghen ghét. Nghèo bị chê là ty tiện. Cần mẫn bảo là tham lam. Tiết kiệm chê là bủn xỉn! Ông cười, sự sống này chằng chịt những giăng mắc, những lòng người thói đời. Để sống, để làm được người là khó lắm...

Dạo mới đây, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có các cuộc tọa đàm cuốn sách Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh của Đoàn Duy Thành.

Điều lạ là cuốn sách do NXB Chính trị Quốc gia có số in (cả tái bản) trên 10.000 cuốn! Thành phần các cuộc tọa đàm khá phong phú. Có đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, Thành ủy và nhiều nhà khoa học, sinh viên. Cuốn sách dày 153 trang gồm 4 chương.

Nhân bữa đến nhà được ông cho sách lại nghe ông bộc bạch... Trong khoa học xã hội, ta thường tự đánh thấp mình, khiêm tốn đôi lúc tự ty không tự chủ tìm ra học thuyết ra lý luận của dân tộc mình đã có sẵn.

Tiêu biểu là lý luận của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã tiếp thu tinh hoa của các triết học Đông tây kim cổ đúc kết thành lý luận hành động thực tế có thể nói từ trước tới nay chưa có cá nhân nào so được! Vậy nên tôi viết cuốn sách ấy. Mừng là có nhiều người tìm đọc, sẻ chia...

Có dịp ngồi với ông là mỗi dịp ngạc nhiên và thú vị. Lần ấy tôi đến ông đương ngồi với một cán bộ Hà Nội. Câu chuyện của họ cuốn hút tôi khi ông cán bộ nọ băn khoăn về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ông lý giải vấn đề thật sáng rõ. Rồi ông thêm, Nhà nước XHCN là điều tiết có lợi cho nhân dân lao động, nhất là người nghèo. Nếu Việt Nam kinh tế phát triển mà người nghèo vẫn nghèo hoặc khó khăn thêm là phải coi xét lại!

Ở tuổi bát tuần, ông vẫn đau đáu việc nước. Bản góp ý với Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Đảng về thực hiện Nghị quyết 4 BCHTW Khóa XI, được đánh giá là gửi sớm nhất (tới 23 đồng chí cán bộ chủ chốt) dài nhất (10 trang) trí tuệ nhất, thẳng thắn và xây dựng nhất.

Đã định mấy lần về xã Cộng Hòa, Kim Thành, Hải Dương quê ông để ngó cái Thư viện của làng nhiều ngàn cuốn sách mang tên Đoàn Duy Thành mà chưa có dịp...

Ông như đã vượt thoát lên con người của quá khứ, con người của kinh nghiệm và trận mạc kịp làm bao việc trong đó có những huyền thoại “đi trước thời gian”.

Có phải những người đã từng vượt Côn Đảo, mỗi người đều có một Côn Đảo trong mình. Vượt Côn Đảo là vượt gian nan nhỏ hẹp của đời thường, biết vượt thoát những lúc ngã lòng những lúc chông chênh, vượt ngay chính mình và vượt thời gian để sống có ích?

Xương trắng, biển xanh

Trưởng ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo thoạt đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách. Sau đó là Lê Văn Lương, Võ Thúc Đồng, từ năm 1991 đến nay là ông Thành.

Từng chỉ huy du kích đánh đường số 5, Bí thư kiêm chủ tịch UBHC kháng chiến và chỉ huy quân sự quận Ngô Quyền (Hải Phòng), tháng 9-1951, ông Thành bị giặc Pháp bắt. Từ Căng Đoạn Xá (Hải Phòng) ông Thành bị đưa ra địa ngục Côn Đảo ngày 4-10-1952 khi 23 tuổi. Ông là Bí thư chi bộ Đoàn tù. Ra đảo, sau 6 ngày ông đã được tổ chức nhà tù bắt liên lạc và đề nghị ông tham gia Đảo ủy. Ngay thời điểm đó, ông được phổ biến toàn bộ kế hoạch tổ chức võ trang cướp đảo giải phóng toàn bộ tù nhân. Kế hoạch đó được bí mật triển khai âm thầm nhưng hết sức quyết liệt nhiều tháng trời. Năm chiếc thuyền vượt biển do anh em tù binh tự tạo một cách mưu trí và cực nhọc đã được đưa vào nơi cất giấu.

Như vậy ông tham gia Đảo ủy đúng 62 ngày thì nổ ra cuộc võ trang cướp đảo và vượt biển.

Nói về quân sự thì đây là một kế hoạch tấn công hoàn chỉnh, có bài bản. Có điểm có diện, công tác tư tưởng tổ chức tiến hành song song. Có trinh sát nắm địch, huấn luyện kỹ thuật chiến thuật, binh vận. Thời điểm đó ở Côn Đảo có trên 200 lính (hơn 100 là lính Âu Phi tinh nhuệ) vũ khí đầy đủ canh giữ nghiêm ngặt 2.287 tù nhân không một tấc sắt trong tay. Thế mà chớp nhoáng trong ít phút toàn đảo đã nổi dậy làm chủ tình hình. Đẹp nhất là cánh quân Bến Đầm đã bắt gọn trung đội mạnh nhất bảo vệ đảo. Viên quản Bordessouille không những tặng cho ta một bản đồ đi biển, la bàn, phao bơi mà còn muốn theo đoàn tù vượt biển theo Việt Minh về với kháng chiến.

Nhưng rồi như mọi người biết - giọng ông Thành trầm xuống - cuộc vượt ngục đã không thành công. Những chiếc thuyền tự chế chả mấy chốc bị vỡ. Bị máy bay, tàu chiến Pháp truy đuổi, tàn sát. 81 chiến sĩ hy sinh ngoài biển. 75 chết đuối trôi giạt vào bờ. 6 người mất tích giữa biển khơi. 117 anh em bị bắt lại, đưa ra xét xử ở Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cãi trước Tòa bênh vực quyền lợi cho anh em.

Tháng 12-1953, Đoàn Duy Thành (khi đó ông đã được ra tù) thay mặt Đảo ủy viết báo cáo toàn diện về nhà tù Côn Đảo, đặc biệt là cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952. Hiện báo cáo này đang lưu ở Cục Lưu trữ T.Ư ký hiệu C.10D27ST08-27.

Ông lưu ý tôi, thời điểm đó những tờ báo lớn ở Pháp như Le Figaro, Paris- Marth, L’Echo, L’Humanité vv... đã đăng tải cuộc vượt ngục táo bạo này, làm chấn động dư luận thế giới. Tháng 10 -1953, Hội đồng Thập tự Quốc tế đã phải cử một phái đoàn đến Côn Đảo để kiểm tra địa ngục trần gian này.

Cuộc vượt đảo thất bại đã để lại cho những người còn lại trong đó có Đảo ủy Đoàn Duy Thành những nhiệm vụ nặng nề. Giọng ông như trầm hẳn xuống, ánh mắt như mờ đi khi nhắc đến tên những đồng đội thân yêu nay kẻ còn người mất. Những Nguyễn Đình Thâu, Phạm Bạt Tụy, Lê Văn Dương, Tư Hà, Cầu, Hậu, Chiêm Hoàng Tiễn, Kiểm (nhân vật Phan Du trong Vượt Côn Đảo của Phùng Quán) những Cơ Còi, Lê văn Hiến, Vũ Hồng, người em họ của ông, Hồng Long vv...

Qua ông Thành, được biết, mãi đến năm 1996, những người từng chôn cất những chiến sĩ vượt ngục trôi giạt vào bờ ngày ấy mới báo lại chính quyền địa phương để dựng tấm bia kỷ niệm. 75 thi hài vẫn còn nằm rải rác trong khu bãi cát rộng khoảng 500 m2 được rào giậu tạm thời. Trừ hai bộ hài cốt (Đồng chí Phạm Chí Viễn, nguyên Chủ tịch huyện Thủy Nguyên và đồng chí Hoàng Văn Gián, nguyên huyện ủy viên huyện An Lão, Hải Phòng) còn 73 bộ hài cốt vẫn nằm lại Cỏ Ống Côn Đảo. Đó là thiệt thòi lớn cho những liệt sĩ và thân nhân. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là không đủ điều kiện để xác minh danh tính từng Liệt sĩ.

Tròn một hoa giáp (60 năm) hình như cuộc vượt bể Côn Đảo vẫn chưa kết thúc?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.