Ông Mùa A Vảng (thứ 3 phải sang) thăm, động viên người dân sử dụng hiệu quả nhà văn hoá bản |
Cách làm hay của huyện nghèo
Trên cung đường quanh co vào các xã thăm các hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện, chúng tôi được ông Mùa A Vảng - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện uỷ Điện Biên Đông, chia sẻ về câu chuyện vượt khó, như một kỳ tích ở vùng đất làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa.
Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng cái khó, cái nghèo vẫn đeo đẳng người dân huyện Điện Biên Đông, khi huyện có 14 xã, 1 thị trấn, có đến 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
“Nhiều lần anh xuống chung vui Ngày Đại đoàn kết toàn dân với đồng bào và chứng kiến người dân phải nhờ nhà trưởng bản sinh hoạt rất bất tiện. Diện tích nhà trưởng bản nhỏ hẹp, không có bàn ghế, nên mỗi người đến họp phải ngồi một góc, có người phải kê dép ngồi ngoài sân…”, ông Mùa A Vảng chia sẻ.
Mỗi khi đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, người dân đều mong muốn có nhà văn hóa. Điều đó khiến lãnh đạo huyện không khỏi trăn trở, bởi bài toán lấy đâu ngân sách ở huyện nghèo để đầu tư. Tính qua, kinh phí đầu tư xây dựng 1 nhà văn hóa bản khoảng 150 - 250 triệu đồng, để “phủ” hết các bản trong huyện con số tài chính phải tới 30 - 40 tỷ đồng.
“Phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân sẽ thúc đẩy kinh tế. Với (quyết tâm mang lại hạnh phúc cho dân, trong cái khó chúng tôi lại ló cách làm mới. Thường vụ Huyện ủy quyết định xã hội hóa, huy động nguồn vốn từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và sự “chung lưng đấu cật” của người dân hoàn thành mục tiêu”, ông Vảng chia sẻ.
Và những quyết tâm đó chuyển thể thành hành động. Để giải bài toán thiếu đất, thiếu vốn, Thường vụ Huyện ủy giao các địa phương tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Còn vốn, huyện thống nhất giao mỗi cơ quan, phòng ban “đỡ đầu” một bản, kêu gọi nguồn vốn từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với mức 50 triệu đồng.
UBND huyện phát động phong trào cán bộ, đảng viên từ cấp huyện đến xã tự nguyện ủng hộ nguồn lực. Số kinh phí còn lại, các bản huy động nguồn lực trong dân, trích quỹ dịch vụ môi trường rừng của bản để xây dựng nhà văn hóa thôn bản. Nhờ đó, mỗi nhà văn hóa được hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 120 triệu đồng.
“Với phương châm huyện đề ra nơi nào có quỹ đất, dân đồng thuận làm trước, nơi nào dân chưa đồng thuận làm sau. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp, hiến đất, ủng hộ nguồn lực, ngày công để hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà văn hoá, cải tạo trồng cây xanh, trồng hoa, làm đẹp khuôn viên nhà văn hoá”, ông Vảng cho hay.
Người dân diễn văn nghệ tại lễ khánh thành công trình nhà văn hoá bản |
Cán bộ làm trước, nêu gương
Vừa ngớt câu chuyện với ông Vảng, cũng là lúc ông Vàng A Sa - Trưởng bản Chua Ta C, xã Phì Như vác con dao quắm đi từ trên nương về, ghé nhà văn hóa kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc họp bản tối nay.
Vừa thử hệ thống âm thanh, chỉnh lại bàn ghế, ông Sa giới thiệu, nhà văn hóa vừa xây dựng rất kiên cố, có diện tích 120m2, vốn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị hết 180 triệu đồng. “Người dân vui lắm! Có nhà văn hóa rất thuận tiện cho việc họp bản, sinh hoạt chi bộ. Các ngày lễ, Tết mọi người có nơi sinh hoạt văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho dân bản”, ông Sa chia sẻ.
Giới thiệu xong về kết cấu, trang bị của nhà văn hóa mới, ông Sa chỉ tay về ngôi nhà cấp 4 của mình nằm lưng chừng bản và nói, bao năm nay, việc hội họp của bản được tổ chức ở nhà ông. Nhà có diện tích hơn 40m2, trưng dụng làm nơi họp bản, họp chi bộ, tập luyện văn nghệ, cho đến các cuộc sơ kết, tổng kết...
Theo ông Sa, bản có 55 hộ dân, nhiều hoạt động có cả trăm người tham gia, trong khi gia đình tận dụng hết mọi loại ghế trong nhà, mượn thêm nhà hàng xóm vẫn không đủ. Ngồi trong nhà không đủ, phải ngồi ra cả ngoài sân, vườn...
“Nhà tôi có bố đã 85 tuổi, ốm yếu, mỗi lần họp dân không được dùng loa và phải kết thúc trước 9 giờ đêm để ông cụ nghỉ ngơi. Nhiều cuộc họp nội dung chưa triển khai xong đã phải kết thúc, các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân, nhưng nhân dân không được tiếp thu, như nội dung về chính sách vay vốn xóa đói, giảm nghèo; giao đất, giao rừng...”, ông Sa cho hay.
Người dân tham gia ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa bản |
Rời xã Phì Như, chúng tôi đến bản Đại, xã Luân Giói. Ở bản này, người dân đã đoàn kết xây dựng nhà văn hóa khang trang rộng trên 140m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 1.700 m2, với đầy đủ các khu chức năng như: khu vực bếp, sân thể thao, nhà vệ sinh, vườn hoa... Nền nhà được lát gạch hoa, có bục sân khấu, lợp tôn xốp chống nóng và bố trí đầy đủ loa đài, trang trí khánh tiết, 200 bộ bàn, ghế phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản.
Ông Lò Văn Thân, Trưởng bản Đại cho biết, có được nhà văn hóa khang trang thế này nhờ vào tinh thần đoàn kết của dân bản. Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo xã, cán bộ bản đến từng nhà tuyên truyền, vận động nên người dân đồng tình hiến đất, góp kinh phí xây nhà văn hóa.
Theo ông Lò Văn Thân, muốn người dân tự nguyện hiến đất, cán bộ, đảng viên phải thực hiện trước. Vì vậy, ông đã tự nguyện hiến 700m2 đất ruộng khai hoang. Từ việc làm nêu gương của ông, có thêm 4 hộ dân cũng xung phong hiến đất. Có quỹ đất, bản Đại dự trù kinh phí, kêu gọi bà con tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu để xây dựng nhà văn hóa. “Từ lúc có nhà văn hóa mới, chúng tôi rất phấn khởi. Cứ chiều tối, bà con lại tập trung ở đây vui chơi, trẻ con thì chơi đùa, người lớn chơi thể thao, múa dân vũ, giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần”, ông Thân chia sẻ.
Từ việc phát huy sức mạnh của người dân, đến nay 14/14 bản của xã Luân Giói có nhà văn hóa, giúp xã hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Lò Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Luân Giói cho biết, mới đầu, việc triển khai chủ trương xây dựng nhà văn hóa khó khăn, kinh phí xây dựng lớn, ngân sách nhà nước không có, nhiều người dân e dè, chưa muốn làm. Trước tình hình đó, xã đã cử cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động để dân hiểu, người dân đồng thuận hiến đất, góp kinh phí, ngày công xây dựng.
“Nhờ sự đoàn kết toàn dân, Điện Biên Đông đã huy động nguồn lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà văn hóa cho 195/198 bản, tổ dân cư. Hiện nay, còn 3 bản, nhà văn hóa đang trong quá trình xây dựng do bố trí lại dân cư. Cuối năm nay, Điện Biên Đông hoàn thành xây dựng 100% nhà văn hóa cho các bản”.
Ông Mùa A Vảng - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông