Trong kho tàng văn hóa các dân tộc thì người Tày, Nùng ở xứ Lạng có nét độc đáo, riêng có, phổ cập hơn cả. Nhất là nghi lễ Then giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Say nghiệp
Là người hoạt bát, tràn đầy nhiệt huyết, Hà Mai Ven- một nghệ nhân có tiếng nơi xứ Lạng luôn trăn trở với việc bảo tồn, phát triển Then đi vào cuộc sống đương đại. Bà là người dân tộc Nùng Cháo, sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa bản địa xã miền núi Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Từ thuở còn nằm nôi đã được thấm trong những lời Sli Slình làng của các bậc cao nhân, cao niên ở làng. Ngoài 20 tuổi với giọng hát trong veo, lanh lảnh lại có tài ứng đối nên cô thường xuyên được mời làm bà đưa dâu, chuyên hát đối đáp trong đám cưới và cũng qua những lần giao duyên này, nhiều người đã nên vợ nên chồng…
Tôi theo Nghệ nhân Mai Ven xuôi về miền ký ức. Bà năm nay bước sang tuổi 56, đã là Nghệ nhân nhân dân, đầy năng lượng và vẫn là con chim sơn ca đầu đàn. Với đôi mắt tròn, trong, bà nhìn về dãy núi trập trùng chạy dọc miền biên viễn rồi giới thiệu: “Trong quan niệm người Tày Nùng, Then có nghĩa là trời. Hát Then nhằm thuật lại hành trình của con người lên Thiên giới cầu xin những điều may mắn cho cuộc sống tốt lành. Then gắn bó với đời sống hàng ngày của người Tày, Nùng từ lúc sơ sinh đến khi mất đi. Những âm thanh của cây tính tẩu (đàn tính), tiếng xóc nhạc…và những canh múa Chầu thâu đêm rộn ràng, say đắm đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ”.
Người xứ Lạng đối đáp giao duyên say mê Ảnh: Hoàng Chiến |
Theo nghệ nhân Mai Ven, những ai say Then thường được coi là người “có căn, có số”, được đấng tối cao để ý, sai bảo. Trong số hàng nghìn nghệ nhân hát Then ở xứ Lạng thì rất nhiều người trong số này là thầy Mo, thầy Tào, thầy Then chuyên phục vụ mục đích tâm linh, thực hành các nghi lễ cầu mùa, cầu an giải hạn, chữa bệnh, chúc tụng…
-“Người Nùng chúng tôi có câu nói “Ké quả tàng nghìn tiếng Lượn Then/Mùa lườn táng piếu pồn báo ón… nghĩa là “Người già qua đường nghe tiếng Lượn Then/ Về nhà như biến thành trai trẻ”, nói lên giá trị của hát Then trong đời sống.
Từ sáng sớm, khi trên cành cây vẫn còn đọng những giọt sương mai, trong những tà áo chàm xanh truyền thống đổ tràn khu vực phố chợ Kỳ Lừa, tượng đài Hoàng Văn Thụ ở trung tâm thành phố Lạng Sơn, mọi người đều ngóng trông tiếng đàn tính và giọng Sli, Then sôi động, mãnh liệt của nghệ sỹ Phạm Khang. Người hát năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vào những ngày lễ, hội xuân, Tết Độc lập 2/9 đều có mặt và cùng hát giao duyên với trai bản, sơn nữ địa phương.
Truyền lửa
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lạng Sơn cho biết: Kể từ năm 2023 đến nay, ngành đã triển khai thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các Dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22 Câu lạc bộ văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa. Các thành viên là những hạt nhân, Nghệ nhân dân gian hoạt động rất hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc đất và người địa phương. Trong số này, có rất nhiều em nhỏ, độ tuổi thiếu niên, nhi đồng người Tày Nùng, người Kinh hào hứng tham gia, thể hiện năng khiếu, đam mê, trách nhiệm…
“Phạm Khang là người dân tộc Kinh, là bác sỹ Đông y nhưng lại bị làn điệu dân ca xứ Lạng mê hoặc. Từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông luôn có mặt tại các đám đông giữa chợ để hát Sli, hát Lượn. Bản thân ông không theo lớp học đàn tính nào nhưng lại sử dụng thành thạo, rất điêu luyện và cả giọng hát cũng chuẩn lời dân ca Tày- Nùng xứ sở”, Nghệ nhân Mai Ven nhận xét.
“Cặp đôi” với tài tử Phạm Khang thường có cô ca sỹ xinh đẹp Thu Trang. Cô hiện là giảng viên Thanh nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Thu Trang tâm sự: “Không hiểu sao dòng nhạc dân tộc cứ ngày một ngấm vào người, không thể không đi hát cùng đồng bào ở chợ được. Mỗi khi nghe tiếng Sli cất lên là người thấy bồn chồn”.
Tây cũng mê
Những ngày chuẩn bị cho Tết độc lập 2/9, gia đình “Thủ lĩnh” Then Mỗ Thị Kịt ở thôn Pác Sào, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn lại tất bật làm bữa tiệc khao Then. Các “Lục sử” (học trò) từ mọi miền trở về cùng cây Đại thụ Kịt (năm nay tròn 102 tuổi) hoan hỷ chung vui. Mặc dù, tuổi cao nhưng Then Kịt vẫn tinh anh và có thể ngồi đánh đàn, hát Then vài canh giờ. Bà bảo: “Duyên trời định đã đưa tôi về với Then nên tiếp thu những ngón đàn Tính điêu luyện, nhớ hàng vạn câu thơ Tày cổ pha lời Việt và thơ Nôm. Đã 86 năm gắn bó với Then và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2019 là niềm vinh dự của hành trình Then…”.
Ngoài đồng bào các dân tộc trong vùng Việt Bắc tôn sùng, kính trọng, Then Kịt còn được những khán giả nước ngoài rất yêu thích khi được chứng kiến các canh “múa Chầu” do bà lĩnh xướng. Ông Pierre Massei, 79 tuổi, sinh sống ở đảo Corse, nước Pháp hay về Việt Nam và tìm đến nhà Then Kịt nghe hát. Ông đã nhận cây đại thụ Then này là mẹ nuôi…
Lạng Sơn là một trong những tỉnh có di sản văn hoá “Thực hành Then” của đồng bào dân tộc Tày – Nùng – Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào tháng 12/2019.
Giữa tháng 7 vừa qua, đoàn chuyên gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đến xứ Lạng thẩm định thực địa hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trong các chuyến đi thực tế, ông Ông Tuncer và bà Kristin, hai chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO rất hứng thú với làn điệu dân ca, đặc biệt là hát Sli, trình diễn Then vùng miền xứ Lạng. Bà Kristin đã nhiều lần say mê và tham gia vào điệu múa Chầu cầu mùa rộn ràng, cuốn hút...