“Cỗ xe” nợ công dần quá tải

TP - Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội ngày 21/10, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo ngại tình hình nợ công tăng nhanh, phải vay đảo nợ dẫn đến “cỗ xe nợ công dần quá tải mà vẫn phải tăng tốc”.
“Cỗ xe” nợ công dần quá tải ảnh 1

Quang cảnh họp tổ Hà Nội chiều ngày 21/10. Ảnh: Như Ý

Vay đảo nợ lớn

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Trần Quang Chiểu bày tỏ, nghĩa vụ trả nợ của quốc gia tăng đột biến trong 3 năm gần đây. Năm 2013 nghĩa vụ trả nợ là 22,3% tổng thu ngân sách nhà nước, 2014 là 26,2%, 2015 dự kiến hơn 30%. ĐB Chiểu rất lo ngại về nguồn lực trả nợ.

“Trong 3-4 năm gần đây chúng ta không có đủ nguồn để trả, mà phải vay để đảo nợ, 2014 dự kiến đảo nợ 77 nghìn tỷ đồng. 2015 dự kiến vay 130 nghìn tỷ đồng đảo nợ trên tổng số phải trả nợ là 280 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính báo cáo ngân sách năm 2015 chỉ bố trí được 150 ngàn tỷ đồng, nên phải vay đảo nợ 130 nghìn tỷ đồng, như vậy đảo nợ gần 50%”, ĐB Chiểu cho biết.

Trong khi đó, bội chi ngân sách cao, năm 2015 dự kiến bội chi 226 nghìn tỷ đồng, so với năm 2010 chỉ 124 nghìn tỷ, tăng 182%.

“Vấn đề nợ công, bội chi và tình hình ngân sách ở Việt Nam là rất khó khăn trong ngắn hạn. Đó là nói một cách rất khiêm tốn. Còn trong dài hạn, nếu không có biện pháp tích cực khắc phục, không tìm được nguồn từ thực lực của nền kinh tế để trả nợ, không phải nguồn đảo nợ, không giảm được bội chi ngân sách, thì báo động đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia”, ĐB Chiểu nói.

ĐB Chiểu cho biết thêm, chúng ta có ưu điểm là chuyển từ vay nước ngoài sang vay trong nước. Nhưng nhược điểm là huy động thời gian ngắn, 2- 3 năm, nhưng lại cho đầu tư dài hạn 10- 20 năm. Kinh tế thì không thể phát triển đột biến, tăng trưởng nhanh để thu ngân sách, trích ra 25% trả nợ.

“Tôi gọi đó là mức pháp định và không cho rằng đó là mức an toàn. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65, nhưng thực tế có xe chạy dưới tốc độ đó đã gây tai nạn. Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore là 105%, Mỹ là 101%, nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ có 45% lại vỡ nợ”.

 ĐB Trần Hoàng Ngân

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng nhận định, tỷ lệ nợ công đang ở mức cao, dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP. “Tôi gọi đó là mức pháp định và không cho rằng đó là mức an toàn. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65, nhưng thực tế có xe chạy dưới tốc độ đó đã gây tai nạn. Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore là 105%, Mỹ là 101%, nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ có 45% lại vỡ nợ”, ĐB Ngân phân tích.

Theo ĐB Ngân có 3 yếu tố căn bản để xác định nợ công an toàn. Đó là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm. Năm 2014, nghĩa vụ trả nợ là 208 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,69%. Đây là mức báo động.

Tiếp đến là đảo nợ và năm 2014 chúng ta vay đảo nợ 70 nghìn tỷ đồng, năm 2015 vay đảo nợ 130 nghìn tỷ đồng. Cuối cùng là một số khoản mà chúng ta chưa đưa vào nợ công.

Đánh giá trên ba yếu tố này, ĐB Ngân cho rằng, “cỗ xe” nợ công của Việt Nam đang chạy đúng theo tốc độ quy định của luật pháp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy hiểm và “xe đã có biểu hiện xì khói, quá tải, phanh mòn”.

Mạnh dạn tinh giản biên chế

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, nợ đọng thuế, trốn thuế xảy ra ở nhiều nơi, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Có những Cty khai thác khoáng sản như Cty vàng Bồng Miêu nợ 300 tỷ đồng, nhiều Cty khác cũng nợ thuế rất lớn.

“Rất nhiều công trình làm xong không đưa vào sử dụng, nhiều bến cảng đầu tư rồi bỏ không. Trong khi đó, chi tiêu cho bộ máy hành chính cồng kềnh, tốn ngân sách mà hiệu quả làm việc thấp, khiến cho nền kinh tế trì trệ thêm”, ông Đương phát biểu.

“Thông thường hàng năm bố trí chi cho đầu tư khoảng 30% thu ngân sách, nay chỉ còn mười mấy phần trăm là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta lo tỷ lệ nợ công cao là đúng, nhưng cái đáng lo hơn hiệu quả sử dụng đồng vốn, khả năng chi trả hàng năm”.

Đại biểu Lê Thanh Hải

ĐB Đương cho rằng, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp. Vấn đề là làm thế nào để phong tỏa tài sản của kẻ tham nhũng, trả lại cho ngân sách. Phải giảm bớt đầu tư công trình không hiệu quả, đội vốn, đầu tư tràn lan không sử dụng, làm thất thoát, lãng phí.

“Đừng để nhân dân nói rằng chúng ta nghèo nhưng chi rất sang. Phải mạnh dạn tinh giảm nhân sự. Có những chỗ thừa sức tinh giảm tới 1/3 biên chế - đó là những chỗ chỉ ăn theo nói leo - lãnh đạo không làm gì được họ, vậy tuyển làm gì cho lắm?”, ông Đương thẳng thắn.

“Cỗ xe” nợ công dần quá tải ảnh 2

Đại biểu Lê Thanh Hải

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Chính phủ cần đánh giá đúng thực chất để tìm được phương án tháo gỡ. “Hiện nay, việc xử lý nợ xấu đạt kết quả rất thấp so với kế hoạch. Chính phủ cần làm rõ, phân tích rõ việc xử lý nợ xấu của Cty VAMC, đồng thời cần vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ thì mới giải quyết được vấn đề”, ĐB Vinh kiến nghị.

Chờ đợi một quyết sách

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu, báo cáo rất hay, kinh tế vẫn tăng trưởng, ổn định, nhưng thực tế nền kinh tế đang khó khăn. Hiện nay đang nổi lên vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, đột phá về thể chế, nguồn nhân lực.

Nhưng thời gian qua, toàn bộ liều thuốc này không có tác dụng nhiều và hiệu quả thấp. Với tiềm năng của mình, Việt Nam lẽ ra phải tăng trưởng mạnh hơn.

“Cỗ xe” nợ công dần quá tải ảnh 3

Đại biểu Trần Du Lịch

ĐB Trần Du Lịch TPHCM nói rằng, nhìn vào tình hình ngân sách khiến ông “thất vọng”, “không thấy có sự cải cách nào đáng kể”. “Kinh tế Việt Nam đã chạm đất và phục hồi từ quý III năm ngoái. Bây giờ, nó giống người khỏe không ra khỏe, yếu không ra yếu.

Thật sự, cử tri muốn chờ đợi một quyết sách cụ thể để năm tới khởi sắc, nhưng đến thời điểm này lại không thấy có trong báo cáo. Chúng ta mang trách nhiệm cử tri gửi gắm mình ra đây để xem có quyết sách gì nhưng cũng chưa thấy”, ông Lịch nói.

“Kinh tế Việt Nam đã chạm đất và phục hồi từ quý 3 năm ngoái. Bây giờ, nó giống người khỏe không ra khỏe, yếu không ra yếu. Thật sự, cử tri muốn chờ đợi một quyết sách gì cụ thể để năm tới khởi sắc”.

Đại biểu Trần Du Lịch

Phân tích sâu hơn, ĐB Lịch cho biết, nếu bình quân mỗi năm GDP tăng 7,2% thì sau 10 năm GPD phải tăng gấp đôi. Nhưng vì “cứ lình xình thế này” cho nên bình quân đầu người tăng là do đồng đô la mất giá.

“Khát vọng của ta là phải phát triển thành nước công nghiệp phát triển, phải phát triển mạnh mới giữ được vị thế, nhưng nay ngay cả với các nước trong khu vực ASEAN chúng ta đã có sự tụt hậu”, ông Lịch lo ngại.

ĐB Lê Thanh Hải (TPHCM): “Thông thường hàng năm bố trí chi cho đầu tư khoảng 30% thu ngân sách, nay chỉ còn mười mấy phần trăm là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta lo tỷ lệ nợ công cao là đúng, nhưng cái đáng lo hơn hiệu quả sử dụng đồng vốn, khả năng chi trả hàng năm”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ, dù kinh tế phục hồi, đi lên, nhưng năng suất, chất lượng thấp là vấn đề. Nếu chỉ nhìn vào con số tăng GDP 5,8% hay 6,2% thì không phản ánh được chất lượng phát triển kinh tế.

Giữa báo cáo và thực tiễn còn có khoảng cách, khoảng cách này cần có lý giải nguyên nhân. Mâu thuẫn ở chỗ, ta cứ nói tăng trưởng trở lại, nhưng cân đối ngân sách năm 2015 cực kỳ khó khăn. Tình hình căng thẳng lắm, tới mức không có đủ tiền thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, với khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

“Quốc hội ngồi họp rất tốn thời gian và tốn ngân sách. Vậy cuối cùng làm được cái gì? Tôi rất lo niềm tin của người dân, nếu người dân nhìn vào cách mình nói, cách mình làm”, bà Tâm nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phải cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ

Đúng là nợ công tăng cao, cân đối tài chính hiện nay đang gặp khó khăn mặc dù thu ngân sách vẫn tăng, vượt so với kế hoạch. Chúng ta đang đi theo cơ cấu tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài. Tổng dư nợ đang tăng tương đối nhanh, trong mấy năm gần đây lên tới gần sát đỉnh 65% GDP. Nhưng điều quan trọng nếu tính an toàn nợ, tỷ lệ so với GDP chỉ là một chỉ tiêu thôi, cái chính là chỉ tiêu có trả được nợ hay không.

Trên thế giới có nước tổng dư nợ 100% GDP nhưng vẫn an toàn vì sức khỏe nền kinh tế mạnh, họ vẫn trả được nợ. Cũng có nước chỉ vay 20- 30% GDP nhưng vẫn vỡ nợ vì không trả được nợ.

Chi trả nợ của chúng ta tăng nhanh. Hiện nợ ngoài nước không căng thẳng lắm, bình quân vay nợ của nước ngoài lãi suất chỉ 1,6%/năm. Ngược lại, cái xấu chính là ở nợ trong nước, bình quân thời gian vay chỉ khoảng 4,3 năm, thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ 1 năm.

Do vậy, phải cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ, làm sao để vay dài ra, theo chu kỳ cuốn chiếu, trả dần những năm sau, vay càng dài thì càng lợi. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ cơ cấu lại nợ, chủ yếu nợ trong nước, còn nợ nước ngoài tương đối an toàn.

Ngọc Tiến ghi

MỚI - NÓNG