Lo ngại nợ công, nợ xấu tăng cao

TP - Trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, một số đại biểu Quốc hội (QH) khi được hỏi đều bày tỏ lo ngại về tình hình nợ công, nợ xấu, ngân sách khó khăn khiến không cân đối được nguồn để tăng lương.
Lo ngại nợ công, nợ xấu tăng cao ảnh 1

Đại biểu trao đổi bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Không thể lùi tăng lương năm này qua năm khác

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong thời gian khá dài, với chương trình nghị sự dày đặc. Trung bình mỗi ngày QH xem xét một dự án luật.

QH cũng dành thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2014, kế hoạch 2015. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đã giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Kết quả giám sát sẽ được trình ra QH tại kỳ họp này. Theo tôi cần đánh giá lại xem hướng đi tái cơ cấu phù hợp chưa, điểm hạn chế, khó khăn ở đâu. Nhiều ý kiến lo ngại về tỷ lệ nợ xấu tương đối lớn.

Lo ngại nợ công, nợ xấu tăng cao ảnh 2

Tôi hy vọng trong kỳ họp này, sau khi QH nghe tổng thể kết quả giám sát về tái cơ cấu kinh tế, QH cần định ra được các giải pháp cụ thể, như xem xét sửa các luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc.

Trước tình hình khó khăn, QH phải thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình, là cơ quan ban hành luật, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho sự phát triển.

Về nợ công hiện nay, nợ nước ngoài đã khiến chúng ta phải đi vay để trả lãi cho những khoản nợ cũ. Đây là vấn đề khó khăn. Mặc dù nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, nhưng nếu tính các khoản khác như trái phiếu Chính phủ thì tỷ lệ nợ công còn cao hơn.

Trong khi đó, ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy hành chính rất lớn, khối hành chính vẫn quá cồng kềnh khiến phải chi lương rất lớn.

Đáng ra, đến thời điểm là phải tăng lương tối thiểu nhưng Bộ Tài chính báo cáo không cân đối được, nguồn trong nước rất khó, đi vay để “ăn” thì càng khó.

Trên thế giới, có nước khi khó khăn kinh tế phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng trong một thời điểm nhất định 1- 2 năm, nhưng không thể kéo dài triền miên năm này sang năm khác.

Nợ công an toàn nhưng trả nợ khó khăn

Lo ngại nợ công, nợ xấu tăng cao ảnh 3

Nguyên Thống đốc NHNN, ĐB Cao Sỹ Kiêm: Theo báo cáo thì nợ công của chúng ta vẫn an toàn, tuy nhiên đến cuối năm 2015 nó sẽ tiến gần đến con số 65% GDP - tức là tới ngưỡng cho phép.

Theo ĐB Kiêm, điều đáng lo của chúng ta về nợ công không phải tỷ lệ đó mà là khả năng trả nợ mỗi năm 13-14%, trong khi ngân sách hiện nay đang rất yếu, tăng trưởng thấp, bội chi cao. Tức là khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn cả trước mắt, lâu dài. Bây giờ đúng là nợ công chưa mất an toàn, nhưng mà khó có tiền trả nợ.

Nhìn sâu hơn vào việc sắp xếp nợ công thời gian qua thấy rằng chúng ta mới sắp xếp được một phần nhỏ, chưa tạo ra chuyển biến mạnh. Mới chỉ hạn chế được đầu tư công dàn trải, lãng phí chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Nói cách khác là để sử dụng nợ công hiệu quả, bền vững chúng ta vẫn chưa có lối ra.

Trong khi áp lực nợ công vẫn lớn như vậy, tới đây QH sẽ xem xét vấn đề đầu tư dự án sân bay Long Thành sao cho hiệu quả. Nếu chúng ta sử dụng vốn vay thì nợ công sẽ tăng lên và ngân sách sẽ không chịu nổi.

Nợ xấu chiếm bao nhiêu phần trăm?

Lo ngại nợ công, nợ xấu tăng cao ảnh 4

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có cố gắng để quản lý nợ công, bước đầu đã có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, chuyển biến chưa nhiều và kết quả chưa rõ rệt. Cụ thể, nợ công còn ở mức cao và nợ xấu vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế.

Theo tôi, tại kỳ họp QH này, Chính phủ cần có báo cáo minh bạch nợ công. Cần làm rõ cơ cấu nợ công hiện nay ra sao, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn vay làm sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Điều đầu tiên là làm rõ nợ công được sử dụng như thế nào, có hiệu quả không. Tức là cần phải phân tích xem chúng ta sử dụng những khoản vay đó vào lĩnh vực gì, hiệu quả đối với nền kinh tế ra sao.

Cùng với đó, phải làm rõ trách nhiệm trong sử dụng các nguồn vốn vay. Nếu sử dụng không hiệu quả, làm thất thoát thì phải xem xét trách nhiệm, xử lý trách nhiệm khi có vi phạm, nhất là tiêu cực, tham nhũng. Một số ý kiến cho rằng tình hình nợ công của chúng ta đang ở mức cao và chúng ta cũng chưa có sự minh bạch các khoản nợ đó.

Việc sử dụng các khoản vay cũng còn nhiều vấn đề phải làm rõ, vẫn còn cơ chế xin - cho. Ai xin khéo thì được nhiều ai không khéo thì được ít và chậm được cấp. Chính vì cơ chế xin cho đó đã dẫn đến tiêu cực là chạy dự án, phải bôi trơn để có dự án.

ĐBQH mong muốn làm rõ, hiện nay trong cơ cấu nợ công thì nợ xấu chiếm bao nhiêu phần trăm. Có tình trạng sử dụng tiền vay tùy tiện, làm thất thoát, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng không?

MỚI - NÓNG