Tái cơ cấu nền kinh tế: Nỗi lo 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Nợ xấu tăng lên trong khi chưa giải quyết được nợ cũ. Ảnh: H.V
Nợ xấu tăng lên trong khi chưa giải quyết được nợ cũ. Ảnh: H.V
TP - Ngày 1/10, thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kết quả tái cơ cấu thời gian qua đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả còn nhiều hạn chế.

Chủ tịch QH chỉ rõ nợ công vẫn đang bị đe dọa, do tăng nhanh nợ, bội chi lớn, khả năng trả nợ rất đáng lo, thậm chí phải vay nợ, đảo nợ. Nợ xấu tăng lên mà chưa giải quyết được nợ cũ sẽ rất gay go và thực chất mới chỉ là chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang công ty mua bán nợ. Thị trường chứng khoán, thị trường vốn không bình thường.

Doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để đầu tư. Vì phải đi vay cho nên mới xảy ra nợ xấu khi làm ăn không hiệu quả. Đáng ra nhà đầu tư bỏ ra một đồng, đi vay một đồng, một đồng của cổ đông để đầu tư, chấp nhận lời ăn lỗ chịu từ chính đồng vốn của mình.

“Cần nêu rõ thành tựu, hạn chế và đi kèm với nó là nguyên nhân. Phải tập trung tìm giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Trước mắt là chỉ ra được những thành tựu đã đạt được, năm 2015 cần tập trung vào những mục tiêu trọng tâm nào?” - Chủ tịch QH yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý, tới đây cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, không nên dàn trải như vừa qua. Và phải chỉ rõ các DN nhà nước còn chiếm giữ bao nhiêu vốn, với nguồn lực đó đã đóng góp gì cho nền kinh tế. Có người nói nguồn lực ấy chiếm tới 60-70% nhưng đóng góp cho nền kinh tế chỉ khoảng 30% thôi.

Các ĐB cũng lưu ý vấn đề nợ xấu cần phải đặc biệt quan tâm vì đến nay, trong tổng số 56 nghìn tỷ đồng nợ xấu mới chỉ bán được 1,6 nghìn tỷ.

Phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể

Ông Phan Trung Lý cho rằng, Nghị quyết QH đã có nhưng triển khai chưa quyết liệt, chậm, chưa rõ kết quả, thậm chí thiếu đề án cụ thể. Một số ý kiến mong muốn, báo cáo phải chỉ rõ hiệu quả của đầu tư công, của doanh nghiệp nhà nước, hoạt động tín dụng ngân hàng; bên cạnh đó, cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể.

“Chúng ta đưa ra những nhận định chung chung và rất ngại nói về trách nhiệm, thiên về nêu tình hình chứ chưa rút ra kết luận gì. Ngay cả với nợ xấu, cũng phải đánh giá rõ hơn đã giải quyết được đến đâu” - ông Lý kiến nghị.

“Tôi tự hỏi tại sao các nước quanh ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia có tái cấu trúc không mà kết quả tăng trưởng của họ vẫn tốt, lạm phát thấp”.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cần thể hiện độ tin cậy của số liệu trong báo cáo, đặc biệt là kết quả xử lý nợ xấu. “Tôi tự hỏi tại sao các nước quanh ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia có tái cấu trúc không mà kết quả tăng trưởng của họ vẫn tốt, lạm phát thấp. Chắc chắn họ cũng gặp khó khăn như ta, cũng bị tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ của thế giới, thậm chí còn bị thiên tai nặng nề, tại sao họ có tăng trưởng như vậy? Qua báo cáo này, các đồng chí có giúp được tôi hiểu thêm không?” - ông Sơn phân tích.

Từ ý đó, ông Sơn đề nghị phải đánh giá lại tái cơ cấu như vừa qua có thực sự đem lại kết quả như ta mong muốn không.

Chưa thực sự yên tâm về kinh tế tập đoàn nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, bao nhiêu năm qua tập đoàn vẫn chỉ dừng lại ở quyết định thí điểm. Tập đoàn là xương sống của nền kinh tế, Vinalines, Vinashin lại đầy rẫy bất cập, nhưng chưa thấy có đánh giá. “Phải chỉ ra những vấn đề cụ thể còn bất cập. Nền kinh tế quá nhỏ bé mà ra ngõ gặp ngân hàng, để hàng nghìn tổ chức tín dụng như thế thì tái cơ cấu thế nào?” - ông Quyền đòi hỏi.

Một số ý kiến chỉ rõ, phải đánh giá rõ tái cơ cấu tổng thể đang ở đâu, tái cơ cấu các lĩnh vực cụ thể đang như thế nào. Đồng thời, cần đánh giá về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương và cả trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế thời gian qua rõ hơn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.