Bốc thuốc trị nợ xấu ngân hàng: Liều nhẹ sẽ không khỏi bệnh

TP - Chiều 29/9, trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.
Bốc thuốc trị nợ xấu ngân hàng: Liều nhẹ sẽ không khỏi bệnh ảnh 1

Thống đốc Nguyễn Văn Bình lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.

Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng bảy, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%.

Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Theo Thống đốc Bình trước đây, các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận.

Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu. “Tính từ đầu năm, tháng bảy có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước), cho thấy, chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, ông Bình cho biết.

Ông Bình thông tin, trong tuần này, Chính phủ thông qua giai đoạn 2 quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong chương trình tái cấu trúc giai đoạn 2 sắp tới, ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt quá trình tái cơ cấu.

Lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng mức độ rất thấp

Thống đốc Bình cho biết, lãi suất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, nhưng giảm với mức độ rất thấp. Tăng trưởng tín dụng từ 12-14% liệu nền kinh tế có hấp thụ hết và có tạo sức ép lên lạm phát không? Theo ông Bình, con số tăng trưởng tín dụng 12-14% hiện nay đã được cân đối từ nhu cầu của nền kinh tế. Nếu đạt được tăng trưởng như kỳ vọng là phù hợp với năng lực thực tiễn của nền kinh tế, nhưng nếu vượt trên mức này là cho vay không hiệu quả như thời gian trước đây.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Văn Hùng về quản trị các ngân hàng thương mại và việc giải quyết nợ xấu “Có phải là do giải pháp bốc thuốc không đúng hay bắt bệnh không đúng mà nợ xấu giờ vẫn là cục máu đông treo lơ lửng trên đầu?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định việc quản trị của các ngân hàng thương mại và giải quyết nợ xấu đã được “bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng nhưng đôi khi liều lượng thuốc cũng phải căn cứ sức khỏe của con bệnh. Nếu liều lượng cao quá, con bệnh không chịu được thì có khi chưa chết vì bệnh đã chết vì thuốc quá liều, còn nếu liều nhẹ quá thì không khỏi bệnh”.

Thống đốc Bình cho rằng mục tiêu căn bản nhất là lành mạnh hóa và tiến dần tới bền vững hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng, vì vậy phải có lộ trình thích hợp. Có nhiều điều theo thông lệ quốc tế nhưng không thể “chép hoàn toàn bài quốc tế” để áp dụng ngay vào Việt Nam.

Chịu trách nhiệm về sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Thống đốc có trách nhiệm thế nào với việc để xảy ra sai phạm ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam? Nguyên nhân xảy ra sai phạm?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận, dù tất cả sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, lúc đó ông có làm Thống đốc hay không thì vẫn là trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và “Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.

Thậm chí đối với các vụ việc lớn như vụ siêu lừa Huyền Như, vụ bầu Kiên, đại án tham nhũng tại ALC II, ông cũng khẳng định “sai phạm dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi phải xử lý”. Ông Bình cho biết ông cũng có bản kiểm điểm về các vụ việc trên theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 4.

Ông Bình giải thích, trước các vụ việc nêu trên NHNN không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà tạo điều kiện cho đơn vị sai phạm khắc phục; khi không khắc phục được, gây thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân mới xử lý hình sự.

Về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình thừa nhận còn nhiều nan giải. Như việc xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước.

Về thông tin gói tín dụng sắp tới mà cán bộ, công chức có thể sắp được vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà, Thống đốc khẳng định: Với tư cách là Thống đốc NHNN tôi chưa hề có chủ trương gì về việc này”.

GS Trần Thọ Đạt (ĐH Kinh tế Quốc dân): Cho phá sản ngân hàng yếu để thanh lọc hệ thống

Năm 2015 nên tập trung vào xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC và xử lý vấn đề sở hữu chéo. Cần thay đổi chiến lược và biện pháp mua bán sáp nhập các tổ chức tín dụng như hiện nay từ hình thức “tự nguyện” sang “bắt buộc”. Thậm chí cho tuyên bố phá sản một số ngân hàng yếu kém để làm thanh lọc hệ thống.

Ngoài ra, VAMC cần có được những quyền hạn đặc biệt như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ. Theo đó, VAMC cần có quyền hạn đủ lớn để tịch thu tài sản đảm bảo, bao gồm cả bất động sản, mà không cần phải thông qua tòa án.

Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên: Tập trung xóa sở hữu chéo

Một trong nhưng lĩnh ưu tiên “cần làm ngay” trong tái cơ cấu ngành ngân hàng là xóa sở hữu chéo, đầu tư chéo. Việc xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề lớn nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để tiến hành cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, hầu hết các nước đều lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Quỹ này sẽ bao gồm các chi phí trong quá trình tái cấu trúc như cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ tài chính các ngân hàng yếu kém trước khi tiến hành sáp nhập và hợp nhất với các ngân hàng tốt. Tùy vào quy mô nền kinh tế của từng quốc gia nói chung và quy mô của khu vực ngân hàng nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khác nhau.

TS Lê Đăng Doanh: Xử lý nợ xấu vẫn bế tắc

Việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng thời gian qua triển khai nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu nằm ở đâu. Nằm ở bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ở hệ thống ngân hàng, hay chất lượng tài sản thế chấp? Thêm nữa, mô hình VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra thực chất không khai thông được nợ xấu.

Cùng đó, các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.

 Phạm Tuyên

MỚI - NÓNG