Đã xử lý 249 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
TPO - Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng bảy, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%.

Thống đốc lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.

Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Theo Thống đốc, trước đây, các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

“Tính từ đầu năm, tháng bảy có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước), cho thấy, chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, Thống đốc nói.

Thống đốc cho biết, trong tuần này, chính phủ thông qua giai đoạn 2 quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong chương trình tái cấu trúc giai đoạn 2 sắp tới, ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt quá trình tái cơ cấu

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: Thống đốc có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra sai phạm trong ngành ngân hàng, mới nhất là Ngân hàng Xây dựng. Có giải pháp gì để xử lý?

Về sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn nhận trách nhiệm. Ông cũng không quên nhắc lại các vụ siêu lừa Huyền Như, sai phạm của Bầu Kiên hay đại án tham nhũng ALCII, và khẳng định “sai phạm dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi phải xử lý”.

Về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận còn nhiều nan giải. Như việc xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước.

Đến 22/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93%, huy động vốn tăng 9,79% và tín dụng tăng trưởng 6,62% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn bằng VND tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%. Tín dụng bằng VND tăng 4,39%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 20,77%.

Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8% một năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9 - 10%  đối với ngắn hạn; 10,5 - 12% đối với trung và dài hạn.

Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%

Đến cuối tháng 8/2014, đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ của các TCTD tăng 21,56% so với cuối năm 2013.

Trong hơn 8 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục (trên 35 tỷ USD).

Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

MỚI - NÓNG