Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh

TP - Sáng 20/10, báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh. Ủy ban Kinh tế của QH cũng nhận định, bội chi ngân sách quá cao so với chỉ tiêu QH đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh ảnh 1

Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tám diễn ra tại Hội trường Ba Đình mới. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.

“Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, khó khăn, thách thức là rất lớn. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong điều kiện kinh tế phát triển không thuận lợi, thu ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn phải giảm thu để hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặt khác, cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2014 dự kiến khoảng 25,9% (theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia là dưới 25%).

Nguyên nhân là do nền kinh tế có bước phục hồi, nhu cầu vốn ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tăng cao, các tổ chức tín dụng đã tận dụng cơ hội vay vốn nước ngoài ngắn hạn lãi suất thấp (chiếm khoảng 11,32%).

Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để năm 2015 bảo đảm trong giới hạn theo quy định.

Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đang được tích cực triển khai. Trong đó, tăng cường quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Quyết định đầu tư phải xác định được nguồn và khả năng cân đối vốn.

Cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng, năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. “Đã xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua Cty Quản lý tài sản (VAMC)”, Thủ tướng cho biết.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát...

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch.

“Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định”, Thủ tướng khẳng định.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu thực hiện khẩn trương, chặt chẽ tái cơ cấu. Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đổi mới cơ chế chính sách, đa dạng hóa hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP), phát triển mạnh thị trường vốn trong nước và chủ động tham gia thị trường vốn quốc tế, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng; giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ. “Có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC. Bảo đảm đến hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3% như kế hoạch đề ra”, Thủ tướng nêu ro.

Bội chi ngân sách quá cao

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của QH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự báo chỉ đạt khoảng 5,67%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân (6,5-7%).

Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, là bước ngoặt lớn trong hoạt động thương mại và cán cân thương mại nước ta, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá thêm các cơ sở, tính bền vững của một nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu và liên tục nhập siêu cao nhiều năm trước.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá rõ xuất siêu như vậy là do hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu nền kinh tế) hay chỉ là kết quả nhất thời do đóng góp mạnh mẽ mang tính đột biến của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn vừa đưa vào hoạt động trong vài năm gần đây hay do khó khăn của doanh nghiệp trong nước làm cho nhập khẩu suy giảm.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hằng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục.

Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011- 2014 khoảng 5% GDP chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ là quá cao so với chỉ tiêu QH (đến cuối năm 2015 bội chi đạt dưới 4,5% GDP, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Nợ công chạm trần gây áp lực ngân sách

Ngày 20/10, báo cáo về tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và kế hoạch 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đề nghị QH cho giữ mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 5,3% GDP. Còn cơ quan thẩm tra cảnh báo, mức nợ công đã chạm trần.

Chính phủ nêu rõ, năm 2015 nhu cầu tăng chi lớn để trả các khoản nợ ngắn hạn, đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới... Vì vậy, Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP. Khi đó, dư nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP trong phạm vi quy định.

Thẩm tra về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu cộng với 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã là 7% GDP, có nghĩa không hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã được QH quyết định (4,5% GDP). Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Phân tích về nợ công, dù báo cáo của Chính phủ năm 2015 ước đạt 64,5% GDP, dưới trần nợ công mà QH cho phép là 65%GDP, nhưng cơ quan thẩm tra cũng cảnh báo: Tỷ lệ nợ công vẫn ở dưới mức cho phép nhưng đã chạm mức trần.

Điều này phản ánh tình hình nợ công đang ở mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN vẫn ở mức cao, vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng. “Một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công như vậy áp lực trả nơ đến NSNN rất lớn” - ông Hiển chỉ rõ.

Cân nhắc tăng lương

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, năm 2015, cần bố trí nguồn để tăng lương theo lộ trình, đảm bảo đời sống cho người về hưu và cán bộ công chức có thu nhập thấp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động còn thấp nên cần phải cân nhắc.

Đồng thời, năm 2015, Chính phủ cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng phụ thu, lạm bổ vốn đã xảy ra ở một số địa phương. Đồng thời, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó không bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi cho khởi công, khánh thành các công trình.

Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc tại Phòng họp Diên Hồng - Hội trường Ba Đình mới, tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác liên quan việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp... theo tinh thần Hiến pháp mới; xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch năm 2015.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Đây là lần thứ hai QH thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, QH tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm hệ trọng này trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước”.

QH sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. QH cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015

1. Về kinh tế:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

2. Về xã hội:

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.

3. Về môi trường:

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 82%; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 85%; Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 82%; Tỷ lệ đô thị loại 3 trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải 16%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%.

MỚI - NÓNG