Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) truy trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, ảnh hưởng sản xuất trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đã nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế.
“Công tác đấu tranh của chúng ta về phương tiện, công cụ vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt trang thiết bị kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thiếu nên có nơi cán bộ quản lý thị trường phải thử bằng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón, đây là hiện tượng có thật”, ông Hoàng nói.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Khá bấm nút chất vấn tiếp: “Bộ trưởng nói cán bộ phải điểm định phân bón bằng miệng, vậy với thuốc trừ sâu thì cán bộ kiểm định bằng gì?”. Bộ trưởng Hoàng phân trần, việc kiểm định phân vô cơ bằng miệng là hiện tượng có thật do thiếu thiết bị kiểm định, và không chỉ với phân bón mà còn đối với một số thực phẩm khác.
Trao đổi với báo chí trong giờ giải lao, đại biểu Nguyễn Thị Khá bày tỏ, bà chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng bởi cán bộ không thể đi kiểm định chỉ bằng miệng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả không cao. “Cá nhân tôi nhận trách nhiệm về hạn chế này trong bản kiểm điểm trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Nguyên nhân do dung lượng thị trường ngày càng phát triển, độ mở nền kinh tế lớn. Ngoài ra, không loại trừ trong đội ngũ cán bộ Quản lý thị trường có tiêu cực, bao che cho các hành vi sai phạm. Sự phối hợp có chỗ, có nơi chưa đều, chưa nhất quán”, Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm.
“Bộ trưởng có cam kết năm 2015 giảm được buôn lậu, hàng giả không?, đại biểu Khá hỏi tiếp. Bộ trưởng Hoàng cho biết, sẽ hết sức nỗ lực còn đo lường giảm được bao nhiêu phần trăm là rất khó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng tin tưởng, với sự ra đời của Ban chỉ đạo 389, chắc chắn công tác phòng, chống buôn lậu từng bước có chuyển biến hơn. “Không có lý do gì không tin hiệu quả phòng chống buôn lậu không tốt hơn trong năm 2015”, ông Hoàng nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) hỏi về giá thành điện, có ý kiến các DN điện lớn như Thủy điện Hòa Bình hoạt động cầm chừng, trong khi phải mua điện của DN bên ngoài, nhập khẩu điện giá cao. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, ý kiến này không có cơ sở. Chúng ta chắt chiu nguồn lực để xây dựng công trình thủy điện để tận dụng tiềm năng thủy điện.
“Không có lý do gì mà không phải thác triệt để các thủy điện này, hầu như năm nào thủy điện Hòa Bình cũng phát hết công suất, không có chuyện hoạt động cầm chừng. Thủy điện Sơn La thì năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế. Các thủy điện khác cũng vậy luôn khai thác hết công suất', ông Hoàng khẳng định.
Trả lời ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế) về công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận công nghiệp hỗ trợ có khá nhiều vấn đề. Vấn đề này đã được một số đại biểu nêu qua nhiều kỳ họp, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích công nghiệp hỗ trợ.
Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan công nghiệp ô tô, dệt may, Chính phủ đã có quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết, cấp độ pháp lý của chính sách còn thấp, chưa có nghị định riêng về công nghiệp hỗ trợ. Ông Hoàng đề nghị cần có luật về công nghiệp hỗ trợ.