Quốc hội chọn vấn đề 'nóng' để chất vấn

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại một phiên thảo luận ở Hội trường. Ảnh: Như Ý.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu tại một phiên thảo luận ở Hội trường. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm nay, Quốc hội (QH) bắt đầu chất vấn 4 bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với PV Tiền Phong các đại biểu QH cho biết, sẽ chọn những vấn đề “nóng” để chất vấn. Bộ máy cồng kềnh, lạm phát cấp phó, an toàn mâm cơm… tiếp tục là những vấn đề được đại biểu quan tâm.

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng

Ông Dương Trung Quốc nói: Những năm qua chúng ta đứng trước khó khăn, thách thức lớn, vừa chịu tác động khủng hoảng chung của thế giới vừa trong tình huống phải ứng phó, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Điều hành của Nhà nước đã có những ứng biến kịp thời, rất phù hợp, nhưng chúng ta cần có đủ năng lực phát triển một cách bền vững để rủi ro ít hơn.

Vậy nhìn vào từng lĩnh vực điều hành cụ thể của các bộ, ngành ông có nhận xét gì?

Trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững tôi vẫn cảm thấy cơ chế của chúng ta có vấn đề. Có những vấn đề người dân đánh giá dễ nhất lại không thuộc phạm vi của một bộ nào cả. Ví như, mức độ an toàn của mâm cơm không chỉ phụ thuộc vấn đề nông sản của nông dân, mà còn là sản phẩm của ngành Công nghiệp, rồi cả ngành Y tế. Cho nên sự điều hành phải phối hợp hết sức đồng bộ mới có hiệu quả.

Vậy cách chất vấn tại QH hiện nay có làm rõ được trách nhiệm của từng bộ, ngành hay không, thưa ông?

“Các bộ trưởng khi được chọn để chất vấn phải coi đó là một cơ hội được chất vấn chứ không phải bị chất vấn. Vì khi đó, trước diễn đàn Quốc hội, họ được nói, được lắng nghe những vấn đề của ngành mình. Cái sai thì với tinh thần cầu thị ghi nhận, nhưng cái đúng thì mình tự tin bảo vệ. Đó mới là những tác động mong đợi của các phiên chất vấn. Ngoài ra cái mà các đại biểu và người dân cần trong phiên chất vấn là sự hài lòng chứ không phải những từ rất là bay bướm, nhưng không giải đáp được câu hỏi đặt ra. Cho nên thước đo cuối cùng của phiên chất vấn chính là sự hài lòng của người dân và sự hài lòng đó không phải là để êm tai”.

 ĐB Dương Trung Quốc

Tôi nghĩ rằng, cách chất vấn hiện nay không phù hợp lắm. Vì hễ động đến một vấn đề nào đó, bộ trưởng có thể lấy ngay lý do ông ấy không quản vấn đề này, nó là của liên ngành. Tôi rất muốn lấy vấn đề đời sống ra chất vấn chứ không phải lấy công việc của bộ ra chất vấn. Ví dụ, tại sao mâm cơm không an toàn, không chỉ một bộ trả lời được mà một số bộ cùng vị Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề đấy mới trả lời nổi. Hoặc vấn đề tai nạn giao thông, ngoài Bộ GTVT trả lời còn có Bộ Công an nữa... Tôi cho rằng, nếu qua chất vấn mà chúng ta tìm ra giải pháp thì nên phản ánh đúng thực tiễn đời sống và sự điều hành của Chính phủ.

Trong các phiên chất vấn ông đều có những câu hỏi dành cho Thủ tướng và thành viên Chính phủ, lần này ông dự định chất vấn ai không?

Tôi thường không gửi câu hỏi trước như đại biểu theo từng ngành lĩnh vực, vì họ am hiểu hơn. Trong quá trình chất vấn, tôi thấy nảy sinh vấn đề gì thì đặt câu hỏi. Cá nhân tôi hay đặt câu hỏi như vậy, nhất là thời lượng không nhiều thì nên dành cho những người am hiểu và quan tâm nêu chất vấn.

Quốc hội chọn vấn đề 'nóng' để chất vấn ảnh 1

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Vậy ông có câu hỏi nào dành cho Thủ tướng mà ông quan tâm?

Chắc chắn tôi sẽ chất vấn Thủ tướng một vấn đề tương xứng với vai trò điều hành của Thủ tướng.

Cảm ơn ông!

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Chất vấn phải chọn vấn đề nóng

Tôi không đồng tình với cách lựa chọn bộ trưởng trả lời chất vấn theo nguyên tắc “ai chưa trả lời thì chọn”. Nên chọn lĩnh vực nào có vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, có thể chất vấn qua nhiều kỳ họp để đánh giá chuyển biến. Không phải bộ này chưa chất vấn, giải trình lần nào thì chọn để chất vấn, làm như vậy không hợp lý. Ví dụ lĩnh vực KHCN, ngân sách đầu tư rất lớn, nhưng ít đại biểu quan tâm vì chưa phải vấn đề dân sinh bức xúc.

Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải:  Giải pháp tinh giản bộ máy

Tôi quan tâm đến biện pháp tăng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và việc tinh giản bộ máy, rà soát từng vị trí cụ thể thời gian qua. Theo tôi, giảm biên chế phải di kèm với tăng chất lượng CBCC, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công vụ. Vậy Bộ Nội vụ đã làm được những gì, kết quả ra sao và những giải pháp nào cho thời gian tới. Đó là những vấn đề cần làm rõ.

Với Bộ Công Thương, tôi dự kiến chất vấn lĩnh vực quản lý thị trường, giá cả. Giá xăng dầu đã giảm 9 lần nhưng giá hàng hóa không giảm. Mỗi lần tăng giá xăng thì giá các mặt hàng tăng rất nhanh, vậy tại sao khi xăng giảm giá thì các dịch vụ không giảm?

Quốc hội chọn vấn đề 'nóng' để chất vấn ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyên (từ trái qua phải).

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm: Ngăn chặn chạy đua tăng cấp phó

Cấp phó gần đây bị lạm dụng, tăng lên nhiều quá. Nguyên nhân tăng là do cơ chế phân công trách nhiệm không rõ, kiểm soát thực hiện về cơ cấu cấp phó không nghiêm. Ngoài ra, nó còn có nguyên nhân từ việc chạy đua, chạy theo phong trào, có nghĩa là nơi này có nhiều cấp phó thì nơi khác cũng phải nhiều.

Ví dụ, trước đây có chỗ chỉ có 2 - 3 phó, nhưng thấy chỗ khác có đến 6 - 7 cấp phó thế là đua nhau “ông 6 - 7 thì tôi cũng phải 6 - 7”, cứ thế là thành phong trào. Mà đã “đẻ” thêm nhiều cấp phó thì lại phải bố trí thêm xe cộ, phòng làm việc, thư ký.

Cái nguy hiểm là nhiều cấp phó nhưng công việc lại không trôi, không phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Vì thực tế thêm cấp phó chỉ là thêm một nấc trung gian, khi ông bộ trưởng không chỉ đạo trực tiếp xuống cục, vụ mà lại chỉ đạo qua ông cấp phó… rồi ông cấp phó lại chỉ đạo qua hàng loạt các nấc trung gian nữa. Cuối cùng khi đến được đúng địa chỉ thì đã tốn biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp bị phiền phức rất nhiều, đấy là chưa kể tình trạng mỗi ông làm một kiểu, người dân chẳng biết đâu mà lần. 

Do đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ lần này chắc chắn các đại biểu sẽ truy về tình trạng trên. Các đại biểu cũng mong muốn bộ trưởng có câu trả lời thỏa đáng về định hướng cũng như giải pháp để hạn chế tình trạng này.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Bộ máy cồng kềnh lắm rồi 

Các lĩnh vực trả lời chất vấn lần này cơ bản là vấn đề nóng từ giải quyết việc làm, cải cách hành chính, tăng lương, tái cấu trúc bộ máy con người… Ví như qua thảo luận tại QH thì thấy tất cả các đại biểu đều đòi hỏi phải tái cấu trúc lại bộ máy, con người. Bởi bộ máy cồng kềnh lắm rồi, ăn hết 72% chi thường xuyên, không còn tiền để tăng lương… Tất cả những cái đó đều đang là gánh nặng cần câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp, định hướng.

Rồi vấn đề cải cách thi tuyển công chức để ngăn chạy chọt, tham nhũng. Ví như gần đây nhiều nơi đã tổ chức thi tuyển công chức trên máy tính nên đã ngăn chặn trước rất nhiều tình trạng chạy chọt. Chứ như trước đây muốn vào công chức cứ phải chạy chọt có khi mất đến hàng trăm triệu đồng. Hay như Bộ GTVT gần đây tổ chức hàng loạt các đợt thi tuyển các chức danh lãnh đạo từ vụ trưởng, cục trưởng cho đến tổng cục trưởng rất công khai, minh bạch. Thi tuyển như thế mới loại trừ được chạy chọt, chứ giữ cơ chế xin - cho và không công khai minh bạch thì khó mà chống được tham nhũng.

Quốc hội chất vấn 4 bộ trưởng và Thủ tướng

Theo Chương trình kỳ họp thứ 8, hôm nay (17/11), Quốc hội (QH) bắt đầu tiến hành chất vấn 4 bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Sáng 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, sau đó QH sẽ thảo luận ở hội trường về báo cáo này.

Chiều cùng ngày, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII. Sau đó, QH sẽ chất vấn đối với các vị bộ trưởng: Công Thương, LĐ - TB&XH, Nội vụ và GTVT. Thủ tướng Chính phủ sẽ giải đáp những vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH vào cuối phiên chất vấn (chiều 19/11).

Trong tuần, QH cũng sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Nguyễn Tuấn

MỚI - NÓNG