Những băn khoăn sau phiên lấy phiếu tín nhiệm

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm vào sáng 15/11. Ảnh: Như Ý.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm vào sáng 15/11. Ảnh: Như Ý.
TP - Trao đổi với Tiền phong sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, một số đại biểu bày tỏ sự chia sẻ nhưng một đại biểu khác cũng băn khoăn khi những người đứng đầu các lĩnh vực quan trọng của đất nước như Y tế, Văn hóa, Giáo dục, Nội vụ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhiều nhất.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Phản ánh khuynh hướng nhìn vào những việc cụ thể


Đợt lấy phiếu lần này có nhiều người trước đây tín nhiệm thấp nay đã có sự chuyển tốp mạnh như Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng GTVT. Nhưng cũng có vị không thể vượt lên được như Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng GD&ĐT. Điều này phản ánh khuynh hướng của đại biểu QH. Hơn nữa, trong thời gian gần đây lĩnh vực Y tế đã xảy ra hàng loạt các vụ việc tiêu cực và người ta chỉ nhìn vào hạn chế đó, chứ không nhìn vào tổng thể để đánh giá. Bởi Y tế là cả một hệ thống, nếu nhìn vào đó thì sẽ thấy Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, còn nếu chúng ta tách ra, chỉ nhìn vào những việc cụ thể để đánh giá thì rất khó. Ví dụ như bệnh viện quá tải, nếu chỉ hô hào mà không chi tiền thì làm sao mà thay đổi được. 

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh): Tín nhiệm thấp vì ngành chưa cố gắng hết mức

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cho thấy các đại biểu đã đánh giá nghiêm khắc. Còn bản thân tôi khi nghe thông tin về kết quả kiểm phiếu thì thấy rất buồn. Buồn ở đây thứ nhất là với tư cách cán bộ của ngành Y tế, tôi cảm thấy ngành chưa cố gắng hết mức. Còn với tư cách là cử tri tôi buồn vì những ngành quan trọng như Giáo dục, Y tế, Văn hóa lại chưa đáp ứng tốt mong đợi của cử tri nên bị đánh giá tín nhiệm thấp.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Kết quả tương đối chính xác

Kết quả lần này tương đối chính xác, trung thực và tôi chỉ quan tâm đến số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Qua đó cho thấy có người phấn đấu đi lên được, nhưng cũng có người không phấn đấu được, có người lại yếu kém đi. Ví như số phiếu tín nhiệm cao của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tương đối cao. Đó là sự ghi nhận những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực vốn bị coi là rất khó, phức tạp. Nó cho thấy không phải khó khăn mà không thể vượt qua được. 

Ngoài ra, kết quả cũng phản ánh sự chưa hài lòng của người dân trên một số lĩnh vực như Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Nội vụ. Đây là những lĩnh vực rất dễ bộc lộ, liên quan trực tiếp đến người dân nên những phản ánh đó là trung thực. Chỉ có chi tiết đáng chú ý là có những lĩnh vực tưởng như ít ai quan tâm như Bộ Nội vụ cuối cùng phiếu tín nhiệm lại rất thấp. Như thế cho thấy ngay cả những lĩnh vực không bộc lộ thì đại biểu vẫn có thể đánh giá được.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Có chút thiệt thòi

Đối với lĩnh vực giao thông thì chúng ta thấy rất rõ như trong năm qua cả nước có bao nhiêu cây cầu, con đường. Nhưng đối với lĩnh vực an sinh, xã hội như: Y tế, Giáo dục, Văn hóa để có sự chuyển biến rõ rệt thì phải có quá trình dài chứ không phải làm vài tháng, hay một năm là mà có thể làm được.

Hơn nữa, trong điều kiện đất nước ta đang phát triển, nhưng nguồn lực cho an sinh, văn hóa, giáo dục, y tế đòi hỏi cao, nhưng nguồn lực lại có hạn. Điều này dẫn đến khó khăn cho các bộ trưởng đảm nhận công việc này. Những lĩnh vực trên lại liên quan trực tiếp đến từng người dân, từng gia đình nên cảm nhận từ dư luận xã hội, đại biểu là rất rõ ràng. Rồi nhiều khó khăn khác nữa nên những bộ trưởng ở lĩnh vực này cũng bị thiệt thòi khi đánh giá lá phiếu chứ không phải là các bộ trưởng không cố gắng. 

Tuy nhiên, những kết quả không cao đó cũng là thể hiện mong muốn của đại biểu là các bộ trưởng, trưởng ngành đó phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới. 

MỚI - NÓNG