Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là kênh tham khảo quy hoạch cán bộ

Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ. Ảnh: TT
Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ. Ảnh: TT
TPO - Chiều 17/10, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII, trả lời Tiền Phong về công tác lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là kênh tham khảo để quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới của Đảng.

Một nội dung quan trọng nữa tại kỳ họp này là QH lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Hình thức lấy phiếu lần thứ hai này vẫn giống lần đầu, phiếu tín nhiệm gồm 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. 

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới của Đảng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên thế giới thì chỉ có Việt Nam thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu có tác động tốt. Khi lấy phiếu, một số thành viên Chính phủ có số phiếu không cao, nhưng sau một thời gian, các đồng chí đó thấy cần phải rút kinh nghiệm và làm tốt hơn nữa, tích cực, sâu sát hơn nữa. 

Do vậy, đến này lĩnh vực mà một số đồng chí lần đầu phiếu thấp đã có chuyển biến tốt, được cử tri, nhân dân đồng tình. Điều này cho thấy, việc lấy phiếu có hiệu quả tích cực. Ông Phúc cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm ở QH là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương về đánh giá cán bộ, nên kết quả lấy phiếu tại QH là kênh tham khảo để các cơ quan có trách nhiệm làm công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới của Đảng.

Về nội dung cần rút kinh nghiệm trong lấy phiếu, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần này báo cáo của cán bộ được lấy phiếu sẽ thống nhất theo mẫu đề cương hướng dẫn, tránh trường hợp người thì viết quá dài, người thì quá ngắn. 

Nói thêm về việc sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần có sự khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. 

“Bỏ phiếu thì đúng là chỉ có hai mức thôi, nhưng lấy phiếu thì phải có ba mức vì đây là đánh giá, khảo sát tín nhiệm. Nếu mà lấy phiếu và bỏ phiếu cũng giống nhau thì chỉ cần hai mức, bỏ phiếu luôn chứ việc gì phải lấy phiếu nữa. Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ, việc một năm hay hai năm tiến hành một lần thì trong quá trình thảo luận để sửa đổi cần phải xem xét rất kỹ để có quyết định, làm thế nào đủ cơ sở để đánh giá cán bộ”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG