Số lượng in đầu tiên bình bình như nhiều cuốn khác chỉ khiêm tốn 1.000 cuốn. Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn sách bán hết veo. Xin phép nối bản thêm 1.000. Lại cũng rất chạy. Nối thêm ngàn cuốn nữa. Rồi nối nữa. Tổng số 5.000 cuốn. Lại cũng chạy. Qua khảo sát sơ bộ, có lẽ phải tiếp tục in thêm? Một thứ bestseller (sách hay, bán chạy?)
Mừng chứ! Cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân, phê bình và khảo cứu (TĐTVNL, PBVKC) thuần về nghiên cứu. Đối tượng đọc rõ ra là phạm vi hẹp, đâu phải dạng giật gân cướp giết hiếp. Tác giả lại là một anh viết mới toe lần đầu ra sách: Hoàng Tuấn Công. Đột biến ấy ở NXBHNV như thúc vào cách nghĩ vốn cứng ngắc khuôn phép lâu nay rằng, độc giả đã chán ngán sách nghiên cứu, học thuật mà ngả đắm vào dạng giải trí cùng là hồi ký? Hóa ra vẫn còn những vấn đề hôi hổi được người đọc quan tâm cộng với tâm tài của người viết được khuôn vào những cuốn sách dẫu có dày (cuốn của Hoàng Tuấn Công hơn 567 trang in khổ lớn) vẫn bắt mắt bạn đọc!
Chỉ mấy ngày sách ra mà dư luận trên mạng trái lẫn lề phải dậy lên bao cung bậc khen chê. Rằng cuốn của Hoàng Tuấn Công là một hiện tượng của học thuật nước nhà, là đột phá của việc củ soát việc ra sách từ điển lâu nay vốn lơi lỏng chểnh mảng. Nhiều ý kiến rằng, sở dĩ cuốn của Hoàng Tuấn Công níu được người đọc vì một tác giả trẻ (sinh năm 1970) dám… phạm thượng bắt lỗi một vị GS cao niên danh tiếng xưa nay, nhất là lĩnh vực từ điển như GS Nguyễn Lân. Rằng cuốn sách của Công như một chỉ dấu mà người đọc thời nay nên bình tĩnh để soát xét lại những thứ thần tượng học thuật mà trước nay nhiều người đã trót mê.
Người viết bài này không có chuyên môn để mà nối thêm những luận bàn học thuật. Nhưng trước những ngổn ngang việc khen chê, mạo muội dùng lại thuật ngữ của các đời phát ngôn Bộ Ngoại giao sính dùng tôi rất lấy làm tiếc và kêu gọi các bên hết sức kiềm chế… để vận vào trường hợp này.
Trước hết, xin dành tình cảm kính trọng, mến phục đối với GS Nguyễn Lân đã hoàn thành cuốn từ điển của mình suốt 5 năm trời ở tuổi 90.
Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm GS Nguyễn Lân soạn cuốn từ điển, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Lại nữa, nếu như có một ê kíp một nhóm soạn giả thì đã đành một nhẽ? Nhưng nghe nói (đáng phục và cũng đáng tiếc?) tuổi cao sức yếu lại chỉ mỗi mình cụ thực hiện công việc đồ sộ này. Vì thế có sai sót âu cũng là bình thường. Còn theo GS. Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, bản thân thành ngữ, tục ngữ cho phép nhiều cách hiểu, nên không dễ có sự thống nhất.
Chính tác giả cuốn TĐTVNL, PBVKC mới đây bộc bạch với người viết bài này: Nếu tôi không làm việc này, viết cuốn sách này thì sẽ có người làm sau tôi. Và chắc chắn tôi không phải là người đầu tiên và cũng chẳng phải người cuối cùng làm việc này. Cảm hứng học thuật chủ đạo của tôi khi thực hiện là cùng một thành ngữ, tục ngữ, nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết nếu như những cách hiểu ấy có lý!
Vì thế, vài ý kiến cho rằng cần thu hồi Từ điển của GS. Nguyễn Lân là hơi bị hấp tấp. Cũng như ai đó khẳng định cuốn sách của Hoàng Tuấn Công là đúng là toàn bích là hơi bị vội vàng!
Với lại theo tôi được biết, nhiều thành viên trong gia đình cụ GS Nguyễn Lân rất tỉnh táo, khoan thai trước những ý kiến khác biệt. Có tờ báo dẫn ra ý kiến PGS-TS Nguyễn Lân Trung, con trai của cố GS Nguyễn Lân rằng, trước hết nói đến ngôn ngữ là nói đến vấn đề về lịch sử, văn hóa, bởi ngôn ngữ gắn với văn hóa, gắn với lịch sử. Do vậy, cách nhìn nhận của mỗi nhà nghiên cứu ngôn ngữ là khác nhau, khó nói cách nhìn này đúng, cách nhìn kia sai.
PGS-TS Nguyễn Lân Trung cũng thẳng thắn “Bố tôi làm cuốn sách này trong 5 năm, khi đã 90-95 tuổi. Phải hiểu là trong thời kỳ đó, không ai làm (từ điển tiếng Việt- XB) thì bố tôi bắt tay vào làm”. Rằng, việc khảo cứu từ điển Nguyễn Lân không có vấn đề nhưng phải lưu ý, ngôn ngữ có yếu tố lịch sử, “ở thời đại công nghệ người ta nghĩ từ này có nghĩa thế này nhưng trước đây quan niệm của các cụ lại nghĩ khác”. “Phải khảo cứu trên phương diện khoa học như vậy và trao đổi một cách thiện ý, thiện chí. Nếu thiếu cả hai điều ấy thì gia đình không bàn”...
Nhớ thêm một bộc bạch sòng phẳng khác của GS Nguyễn Lân “Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2.111 trang ấy, tất nhiên không thể hoàn hảo được”. Nhớ để mà tiếc, để mà cảm cổ phỏng kim. Ấy là chuyện giữa Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi. Khi đăng bài bút chiến trên Đông Pháp thời báo năm 1928 với một tên tuổi lão thành như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi mới 41 tuổi, trẻ hơn Hoàng Tuấn Công bây giờ. Thế mà dư luận thời đó và ngay cả cụ Huỳnh tuyệt nhiên không ai vin vào cớ này để kết tội Phan Khôi xấc xược. Cụ Huỳnh đã nhanh chóng trả lời, nói thẳng tâm phục lời chỉ trích của Phan Khôi!
Mới đây nhà nghiên cứu, chuyên gia về giáo dục Đỗ Ngọc Thống (nguyên thầy giáo của Hoàng Tuấn Công, người viết lời bạt cho cuốn TĐTVGSNL, PB&KC) có kể lại lần gặp mới đây nhất (tháng 8/2017) tại một buổi hội thảo ông có gặp GS Nguyễn Lân Dũng, trưởng nam cụ Nguyễn Lân. Hai vị đã trao đổi với nhau xung quanh dư luận cuốn sách của Công. Ông Đỗ Ngọc Thống thẳng thắn: Anh ạ, cần phân biệt 2 chuyện: thái độ ứng xử với cụ Nguyễn Lân và khoa học. Cần trân trọng những gì cụ đã làm, nhưng đã là khoa học thì 90 hay 100 tuổi nếu có vấn đề gì sai đúng thế nào vẫn phải trao đổi, phê bình, góp ý. Là nhà khoa học chắc anh ủng hộ điều đó chứ.
Nghe vậy GS Nguyễn Lân Dũng cười thoải mái đến hai lần: Tôi ủng hộ, dứt khoát là tôi ủng hộ rồi.
Theo thiển ý của người viết bài này, để giữ hòa khí thiện ý và thiện chí như một thứ bất biến của các cuộc tranh luận, phê bình có lẽ lại phải mượn lời của người xưa. Chả nên riết róng cái cung cách lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh (con quạ già trăm tuổi không bằng con phượng hoàng mới đẻ), mà như thứ đại tự người Việt mình vẫn trưng trên bàn thờ gia tiên Quang ư tiền dụ ư hậu (hoặc rút gọn là quang tiền dụ hậu) Nghĩa là đời trước, người trước khai mở, đời sau, người sau tiếp nối!
Nương giữ được hòa khí cùng cung cách, phương pháp ấy lại cũng chẳng vui sao?
Nhớ năm xa, nhà văn Nguyễn Quang Lập điện thoại cho tôi tầm giữa đêm. Tưởng có việc cần kíp lắm lắm nhưng chất giọng lão chầm chậm để nói về một việc làm thong thả. Là lão nhờ tôi nếu có về Thanh Hóa thì tiện hỏi xem Hoàng Tuấn Công là ai? làm gì? Ở đâu? Bởi hắn gửi cho tui nhiều bài đọc rất ngộ…
Lại cũng năm xa nữa, thi thoảng vào xứ Thanh ghé trường Lam Sơn chơi với mấy thầy. Những cuộc trà nước cùng câu chuyện không đầu chẳng cuối của thày Đỗ Ngọc Thống dẫn dắt tôi gặp được một cậu trò của thầy dáng manh mảnh… (Xin mở ngoặc chút, thày Đỗ Ngọc Thống sau này chuyển ra Hà Nội và trở thành nhà nghiên cứu và chuyên gia của ngành giáo dục). Không biết có ai đó nói quá lên về trình độ Hán học của cậu trò này không? Đang học cấp 3 Lam Sơn nhưng trình độ Hán học của cậu này khá đáng nể. Duyên do là ông cụ thân sinh vốn là một thầy đồ rèn cặp cậu từ nhỏ. Lại được gửi lên chùa sư cụ rèn chữ cho mấy năm… Rằng, cậu này có thể nhắm mắt hoặc bịt mắt sờ bia đọc được chữ Hán!
Quả là Lê Quốc Việt, tên cậu trò đó khá có khiếu. Rành thạo chữ Hán nhưng có phải ai biết chữ Hán đều viết được thư pháp cả đâu. Lạ là Lê Quốc Việt rất có khiếu thư pháp. Chữ khá bắt mắt. Tốt nghiệp Lam Sơn, Việt ra Hà Nội học Trường Mỹ thuật. Tôi chưa được coi tranh nào của Lê Quốc Việt nhưng từ ngày trong trường mỹ thuật Việt đã nổi tiếng về thư họa. Sau này ra ngoài đời mặt bằng thư pháp Việt đã nhô nhỉnh lên một Việt Răng Đen (Lê Quốc Việt với lối phục sức lạ mắt bộ quần áo nâu, răng nhuộm đen coi cũng ngồ ngộ…).
Còn một cậu trò yêu của thầy Đỗ Ngọc Thống nữa, đó là Hoàng Tuấn Công. Công không phải là học sinh Cấp 3 Lam Sơn học trò thầy Thống mà chỉ là trò của trường huyện Quảng Xương theo học lớp luyện thi đại học của thầy. Chuyện thì dài, nhưng tóm lược thế này. Rất nhiều anh chị chuẩn bị thi vào đại học Khối C ở xứ Thanh coi việc được thụ giáo thầy Đỗ Ngọc Thống, giáo viên chuyên Văn Trường Lam Sơn là một may mắn. Lần ấy thầy Thống ra đề đại ý: nghĩ gì về cái cửa sổ mờ sương trong Vợ chồng A Phu của Tô Hoài. Hôm trả bài, thầy gọi: anh nào là Hoàng Tuấn Công. Công hồi hộp đứng dậy ngỡ thầy loại mình ra khỏi lớp luyện thi. Nhưng, thầy Thống với chất giọng có chút phấn khích rằng, đời dạy văn của tôi hiếm khi gặp được bài làm như thế này và thầy đề nghị trò Công đọc to cho cả lớp nghe bài làm của mình.
Kỳ thi đại học năm đó (1986-1987) trò Công được 17,5 điểm, thiếu nửa điểm nữa được đi học nước ngoài. Nhưng dẫu có đủ điểm chắc gì Hoàng Tuấn Công đã được đi. Chuyện đó nói sau.
Thầy Thống thời điểm đó chỉ biết một học trò Lê Quốc Việt rành thạo chữ Hán mà không biết trò Công cũng đang dần tích cóp theo kiểu tự học chút chữ thánh hiền. Mà vào đời, mỗi anh dùng cái vốn ấy theo cái cách riêng?
(Còn nữa)
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (người gọi GS Nguyễn Lân là ông nội) viết trên Facebook. Cảm ơn tình cảm của nhiều người đã quý mến dành cho ông những “mỹ từ” to tát, nhưng tôi chắc chắn rằng ông không thích và không tự nhận bao giờ. Ông chỉ thích một điều đó là làm việc và làm việc. Những quyển sách mà ông viết trong những năm cuối đời, ngoài 90 tuổi đã thể hiện một nỗ lực phi thường của một người nhỏ bé. Tôi cũng cảm ơn những người đã đọc rất kỹ các quyển sách của ông để tìm ra các sai sót. Đây sẽ là những đóng góp mà chắc chắn nếu ông còn sống sẽ được ông thay đổi bổ sung trong các lần tái bản của mình”.