Chuyện một tập thể 'Sinh viên 5 tốt' ĐH Y Hà Nội xung phong vào tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
Các sinh viên ÐH Y Hà Nội chuẩn bị đi truy vết ở TP Bắc Ninh
Các sinh viên ÐH Y Hà Nội chuẩn bị đi truy vết ở TP Bắc Ninh
TP - Tập thể “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương gồm 87 sinh viên lớp Y4, ngành Y học dự phòng (ÐH Y Hà Nội) xung phong vào tâm dịch Bắc Ninh. Họ không quản ngại vất vả, ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm,… góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Mồ hôi đọng từng vũng

Cuộc nói chuyện với Nguyễn Quang Nam (lớp Y4, ngành Y học dự phòng, ĐH Y Hà Nội) bắt đầu lúc đêm muộn. Lúc này, Nam mới kết thúc công việc sau một ngày dài về xã lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Suốt câu chuyện, Nam chia sẻ đầy hào hứng và coi đó là một chuyến tình nguyện đặc biệt trong đời sinh viên.

Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) nơi Nam đang tình nguyện hỗ trợ chống dịch COVID-19 chính là quê hương của cậu. Nơi Nam ở cách nhà chưa đến 3km, nhưng từ hôm về đây, cậu chưa được về thăm nhà, thậm chí gọi điện thoại về nhà cũng rất ít, bởi gần như không có thời gian trống cho việc riêng tư.

Hàng ngày, Nam theo xe về các thôn, xã để lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày thời tiết nắng nóng như đổ lửa, thời gian lấy mẫu cũng thay đổi để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế, tình nguyện viên cũng như người dân. Theo đó, công tác lấy mẫu được bắt đầu từ sáng sớm hoặc từ 4,5 giờ chiều cho đến đêm khuya. Nhiều hôm, đội của Nam phải làm đến 12 giờ đêm mới xong việc.

Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời tiết nắng nóng 39,40 độ C là thử thách mà các tình nguyện viên như Nam không thể nào quên. “Có thời điểm chúng tôi phải đứng liên tục 4 giờ đồng hồ lấy mẫu giữa thời tiết nóng hầm hập. Nóng, mệt, đói, khát cũng phải chịu cho đến khi hết việc. Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến cái nóng tăng lên gấp bội, mồ hôi chảy từng dòng không thể thoát ra ngoài, đọng thành vũng trong người. Thú thật, có lúc tưởng chừng không thể chịu đựng nổi, tôi muốn cởi phăng bộ quần áo đi. Nhưng nhìn về phía trước, thấy người dân đang kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đợi đến lượt, khiến tôi và nhiều bạn rất xúc động, làm quên hết mệt mỏi”, Nam kể.

Nam chia sẻ, trẻ em là một trong những đối tượng lấy mẫu khó nhất, vì các em sợ, dễ khóc và phản ứng không cho lấy mẫu. Dù mệt đến mấy, các tình nguyện viên cũng kiên nhẫn dỗ dành để các em có tâm lý thoải mái rồi mới tiến hành lấy mẫu.

Thầy ơi, cho em đi!

Lê Mai Bảo Châu, Phó Bí thư Liên chi đoàn Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng là bạn học cùng lớp với Nguyễn Quang Nam, cùng tham gia chuyến tình nguyện về Yên Phong. Châu được phân công vào đội hỗ trợ trung tâm y tế tiêm vắc-xin, làm báo cáo.

Mỗi ngày của Châu bắt đầu từ 6 giờ sáng và thường kết thúc lúc tối muộn. “Đây là những ngày tôi được sống một cuộc sống rất khác, rất đặc biệt, rất ý nghĩa. Chúng tôi gần như không có thời gian cầm điện thoại, tán gẫu như trước đây. Lâu rồi tôi cũng không biết có trend gì trên mạng xã hội”, Châu chia sẻ. Đến tối Châu mới dùng đến điện thoại để trao đổi công việc trong nhóm với thầy và các bạn cùng đội.

Mỗi ngày mới, Châu đều tự nhủ phải bảo vệ mình an toàn và phải thật khỏe mạnh để làm việc dẻo dai trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Điều tôi sợ nhất là mệt, ốm. Một khi đã tình nguyện đi vào tâm dịch rồi thì phải nỗ lực, cống hiến hết mình hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch bệnh”, Châu nói.

“Ðiều thầy Ngô Trí Tuấn nhắc nhở mà chúng tôi luôn khắc ghi là: Các em đi tình nguyện thế này, đừng xem mình là người hùng hay tài giỏi. Ðây là một phần công việc của sinh viên ngành y, những y bác sĩ tương lai cần làm”.

Sinh viên Lê Mai Bảo Châu, ÐH Y Hà Nội

Châu cho biết, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, mồ hôi ước sũng cả người; ngứa không thể gãi được, khát cũng đành chịu. Tuy nhiên, đó là sự trải nghiệm đáng quý của một sinh viên ngành y, để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh cho công việc sau này.

Trưởng đoàn, bác sĩ Ngô Trí Tuấn, giảng viên bộ môn Tổ chức và quản lý y tế (Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội) nhấn mạnh, tình nguyện viên đặt yếu tố an toàn lên trên hết, bởi mình không khỏe thì không thể giúp được gì cho người dân. “Dù làm việc trong điều kiện vất vả, nhưng các bạn sinh viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bất cứ khi nào có việc gì, các bạn đều xung phong: Thầy ơi, cho em đi!”, bác sĩ Tuấn nói.

Anh Nguyễn Ngọc Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội cho biết, những sinh viên tình nguyện đi vào vùng dịch đều trải qua nhiều vòng tập huấn bài bản, khắt khe. Những sinh viên tình nguyện đi vào vùng dịch như tập thể lớp Y4 đều phải chấp nhận tạm hoãn học, hoãn thi. Sau chuyến tình nguyện các bạn phải về thực hiện cách ly y tế 21 ngày, sau đó mới học và thi.

Theo anh Hải, hiện danh sách sinh viên tình nguyện sẵn sàng đi vào tâm dịch của ĐH Y Hà Nội đã có hơn 1.000 bạn đăng ký.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.