Chuyện không lạ ở Việt Nam: Năng lực giỏi thua bằng cấp

Thí sinh trong cuộc thi tay nghề quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hương Giang (VietNamNet)
Thí sinh trong cuộc thi tay nghề quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hương Giang (VietNamNet)
Tại buổi tọa đàm Xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam sáng 30/10, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT Hoàng Ngọc Vinh đã có chia sẻ về những hạn chế, bất cập của hệ thống trình độ, văn bằng của Việt Nam hiện nay.

Năng lực thua bằng cấp

Đó là nhận định của Vụ trưởng Hoàng Ngọc Vinh. Nguyên nhân là Việt Nam không có chính sách công nhận năng lực, trình độ của người lao động trải nghiệm qua thực tiễn lao động và nghề nghiệp.

Thực tế, một cô giáo tiểu học dạy 10 năm, có thể chỉ tốt nghiệp CĐ liệu năng lực làm việc có bằng cử nhân mới tốt nghiệp ĐH ra không?

Vụ việc hàng trăm giáo viên ở Bắc Ninh bị đẩy ra đường vừa qua là một ví dụ.

Do đó dẫn đến, người bằng cấp thấp nhưng nhiều kinh nghiệm, có thể xử lí tình huống, năng lực công việc tốt nhưng không được thừa nhận.

"Cho nên, hơn lúc nào hết Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn nghề để nếu người lao động đạt đến mức này thì được tuyển vào hoặc loại ra" - ông Vinh đề xuất.

Bất cập nữa là hệ thống trình độ của Việt Nam hiện nay cho thấy sự phức tạp, thiếu định nghĩa rõ ràng, dễ hiểu cho người học, người sử dụng lao động và khó hội nhập.

Thêm nữa, văn bằng hiện được cấp theo trình độ đào tạo nhưng không có sự tin tưởng của xã hội nói chung, người sử dụng lao động nói riêng. Chuyện bằng cấp liên thông không được chấp nhận ở nhiều nơi cũng phần nhiều do kiểm định chất lượng còn kém, chưa phát huy tác dụng, tạo niềm tin cho xã hội.

Hạn chế lớn nữa là quản lý văn bằng gắn với đảm bảo chất lượng giáo dục cho thấy sự thiếu thống nhất về các tiêu chuẩn, thủ tục công nhận và cấp văn bằng.

Cần có cơ quan quản lý văn bằng quốc gia

Nghị quyết 29 nhấn mạnh quan điểm "thực học, thực nghiệp" để xã hội có lòng tin vào giá trị đích thực của văn bằng.

Nhu cầu bức thiết hiện nay là cần có cơ quan thống nhất quản lí văn bằng quốc gia. Muốn vậy phải thống nhất quản lí nhà nước, các bộ ngành cần ngồi lại với nhau để có bộ tiêu chuẩn, quy định chung.

Hiện nay lao động vào Việt Nam nhiều khi bị hạn chế bởi các quy định về bằng cấp. Chuyên gia nhiều khi chỉ giỏi kĩ năng, bằng cấp nước ngoài về Việt Nam có khi không được công nhận. Theo ông Vinh, đây là một trong những nguyên nhân khiến việc hội nhập của Việt Nam với thế giới khó khăn.

Đề án phát triển và thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện để tháng 11/2014 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

Theo đó, cấu trúc của khung trình độ quốc gia của Việt Nam sẽ thống nhất có 8 trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, trung cấp, chứng chỉ nghề cấp I, II và III với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học. Đi kèm với đó là khối lượng học tập cần có và chứng chỉ, bằng tốt nghiệp tương xứng.

Theo Văn Chung

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG