Nhìn lại lịch sử ra đời của K+ ở Việt Nam từ năm 2010, có thể thấy ý định ly khai của K+ thực ra chẳng có gì bất ngờ, bởi sự phát triển của thương hiệu này gắn liền với việc độc quyền một phần giải Ngoại hạng Anh, và nhiều người không thể tưởng tượng kênh truyền hình này sẽ sống như thế nào nếu thiếu giải Ngoại hạng Anh, vì các mảng nội dung còn lại của họ rất thiếu tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam có thể lên tới 80 triệu USD, việc bỏ ra số tiền khổng lồ như thế đã gây nên sự quan ngại rất lớn trong xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay.
Nếu K+ là một đơn vị kinh doanh thuần tuý thì sẽ không ai nói gì khi họ bỏ tiền ra mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh, bởi làm ăn lỗ hay lãi là chuyện riêng của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ K+ là đứa con chung của VTV và Canal Plus, trong đó VTV nắm cổ phần nhiều hơn, mà ai cũng biết, với tư cách là kênh truyền hình quốc gia, ngoài chức năng kinh doanh, VTV còn có trách nhiệm phục vụ người dân bằng những chương trình của mình.
Vì thế, có lẽ đã đến lúc VTV thể hiện vai trò cổ đông chi phối của mình để đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, đưa ra lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của số đông người hâm mộ, bởi dẫu sao bóng đá Anh cũng chỉ là một chương trình giải trí, không thiết yếu đến mức không thể không có trên sóng truyền hình.