Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Không chuẩn bị kỹ khó thành công

Học sinh trường THCS Khương Đình thảo luận bài sau giờ học. Ảnh: Như Ý.
Học sinh trường THCS Khương Đình thảo luận bài sau giờ học. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 21/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng các nhà giáo đã có buổi tọa đàm xung quanh việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể áp dụng ngay. Trong khi đó, các chuyên gia khuyên cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không khó thành công.

Trả lời băn khoăn của dư luận về sự mâu thuẫn giữa phương pháp dạy học tích hợp và phân hóa, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, phương pháp dạy học tích hợp và phân hóa nghe có vẻ ngược nhau nhưng lại có quan hệ qua lại, thống nhất với nhau. Khi giảng dạy tích hợp, giáo viên có thể giúp học sinh tổng hợp kiến thức thế nào để áp dụng được trong thực tiễn. Trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải làm sao quan tâm đến từng đặc điểm, năng lực, hứng thú của học sinh, giúp phân hóa khả năng riêng của từng em. Như vậy, khi dạy cho học sinh có khả năng tổng hợp kiến thức để vận dụng thực tiễn thì chính từng em học sinh đã phát huy khả năng riêng của mình là phân hóa.

Trả lời việc học sinh được lựa chọn môn học, liệu những môn lâu nay học sinh kén chọn như Lịch sử có bị thờ ơ? Thứ trưởng Hiển cho rằng, khi thi môn Lịch sử ít có thí sinh chọn nhưng khi Bộ GD&ĐT tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Lịch sử lại thu hút đông đảo học sinh tham gia. “Điều này cho thấy, Lịch sử không phải là môn học bị thờ ơ mà ngược lại các em vẫn rất quan tâm. Việc chọn môn này thi có tỉ lệ thấp là phụ thuộc vào nghề nghiệp các em sau này có dùng đến kiến thức Lịch sử hay không”, ông Hiển lý giải.

Ông Hiển cho rằng, trước khi thực hiện đã tính đến tính khả thi bởi có khoảng 90-95% các trường có thể áp dụng được ngay chương trình đổi mới. Tuy nhiên, hiện tại ngành giáo dục đã áp dụng một số chương trình đổi mới để đến năm 2018, khi triển khai đồng loạt sẽ không có nơi nào quá bỡ ngỡ. Thứ trưởng Hiển cho biết, không tin chương trình sẽ thành công ngay lập tức mà sẽ vừa làm vừa chỉnh sửa, hoàn thiện.

Khó thành công

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, chương trình có học tập cách làm của thế giới, từ việc đổi mới phương pháp dạy tích hợp, phân hóa hay định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT. Tuy nhiên, theo PGS Cương, cần có sự đào tạo giáo viên kỹ càng.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông vô cùng lo lắng trước những thay đổi quá mạnh mẽ này. Chương trình có những ý tưởng tốt nhưng liệu có phù hợp với thực tế hiện nay chưa thì cần thảo luận kỹ càng và nhất thiết nên để các Hội khoa học chuyên ngành thảo luận, góp ý. Ông lo ngại, mặc dù Bộ có chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng ai (ngoài Bộ) tổ chức được việc tập hợp các thầy thuộc nhiều chuyên môn khác nhau để viết ra cuốn sách giáo khoa “Tự nhiên”. Với môn “Xã hội”, chắc cũng khó khăn không kém. “Tôi có cảm tưởng Bộ lấy ý chí làm mục tiêu khi điều kiện thực tế hoàn toàn chưa chín muồi”, GS Dũng nói.

MỚI - NÓNG