Khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất:

Chương mới Tình người, tình đất Phương Nam

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia khai mạc tối 25/4 tại Bạc Liêu
Festival Đờn ca tài tử Quốc gia khai mạc tối 25/4 tại Bạc Liêu
TP - Tối 25/4, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất- Bạc Liêu 2014 diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương với chương trình nghệ thuật tụ hội 500 nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, thầy đờn của 21 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương trong vùng, cùng hàng nghìn người dân Bạc Liêu tham dự.

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia có chủ đề: “Tình người, tình đất Phương Nam”. Sân khấu chương trình khai mạc đặt trước sảnh Trung tâm văn hóa Bạc Liêu, hướng về Quảng trường Hùng Vương, nơi có nhiều công trình mới hoàn thành: “Biểu tượng văn hóa Bạc Liêu”, “Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu”...

Từ ngoài nhìn vào, mặt nước với ghe xuồng, nhà lá... mang đậm nét đặc trưng sông nước Nam bộ. Sâu hơn vào bên trong, hình ảnh giồng nhãn trăm năm tạo hương thơm du lịch Bạc Liêu, cánh cò từ Vườn chim Bạc Liêu lấp lánh tiếng đờn ca tài tử say mê không dứt trên đất này. Mô hình Điện gió Bạc Liêu vươn cao khát vọng không ngừng đi tới xanh tươi bền vững. Ở trung tâm sân khấu là biểu tượng 4 nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Bầu đã làm nên những huyền tích cho nghệ thuật đờn ca tài tử, nên di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hôm nay.

Đúng 20 giờ, màn hình đặt giữa sân khấu hiện biểu tượng Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất- Bạc Liêu 2014. Một đài hoa sen lung linh bởi 21 diễn viên múa, 21 cụm người (mỗi cụm 10 người) biểu tượng cho 21 tỉnh, thành khu vực Nam bộ hội ngộ về Bạc Liêu chung sức chung lòng gìn giữ và phát huy đờn ca tài tử.

Sân khấu bật sáng, màn hình mở ra tiết tục ca múa nhạc: “Hát chào mừng Festival Đờn ca tài tử Nam bộ” trong sự hồi hộp chờ đợi của hàng chục ngàn người có mặt tại Quảng trường Hùng Vương. Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiêm Trưởng ban Tổ chức Festival, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Festival, phát biểu: “Bạc Liêu ý thức sâu sắc rằng: Bản sắc văn hóa Nam bộ chính là động lực để Nam bộ phát triển, mà nghệ thuật đờn ca tài tử là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy. Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 chính là nhằm làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của Nam bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nêu rõ, ngày 11/2 vừa qua, tại TPHCM, lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Đó là vinh dự, tự hào của dân tộc Việt Nam. “Xứng danh là chiếc nôi Đờn ca tài tử Nam bộ, Bạc Liêu cùng với các địa phương tổ chức lễ hội Đờn ca tài tử Nam bộ là bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó Thủ tướng nói.

Ban tổ chức Festival trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể và 5 cá nhân có nhiều thành tích giữ gìn, giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử. Trong đó, có TS Trần Văn Khê và soạn giả Trọng Nguyễn; hai vị này vì tuổi cao sức yếu, ngồi tại chỗ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tận bàn trao tặng bằng khen.

Sau nghi thức khai mạc, các nghệ sĩ, nghệ nhân, thầy đờn của 21 tỉnh, thành phố Nam bộ chia thành 5 nhóm với trang phục, không gian đặc trưng luân phiên “chơi” đờn ca tài tử phóng khoáng, ngẫu hứng và lãng mạn. Réo rắt vang lên làn điệu “Còn mãi 20 bản tổ” vừa lạ vừa quen và bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của Cao Văn Lầu. Rồi các thể thức mới sau vọng cổ là ca ra bộ, cải lương, các nhịp 2, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 lần lượt được các nghệ nhân cả đời gắn bó với đờn ca tài tử thể hiện hút người nghe.

Đơn ca “Dạ cổ hoài lang” do nghệ sĩ Ngọc Đợi của Bạc Liêu biểu diễn, minh họa có hàng trăm diễn viên múa với ngọn nến lung linh, huyền ảo trôi thành dòng sông lan tỏa như bài hát chảy mãi không ngừng với thời gian. Bài ca cổ “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của nghệ sĩ Năm Nghĩa đi vào lòng người từ năm 1934, lúc này sống lại sức lôi cuốn kỳ diệu. Bài vọng cổ “Sầu vương biên ải” của Thái Thụy Phong ngọt ngào mà tê tái. Bài vọng cổ nhịp 32 của nghệ sĩ Trần Tấn Hưng soạn vào năm 1941. Và nhiều soạn giả sau này thành công với vọng cổ nhịp 32 như soạn giả Viễn Châu, Yên Lang, Loan Thảo, Trọng Nguyễn, Ngô Hồng Khanh...

“Tự hào giai điệu Phương Nam” kết thúc chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia tại Bạc Liêu. Nhưng “Tình người, tình đất Phương Nam” đậm đà lại đang mở ra một chương mới, trong những ngày diễn ra Festival đến 29/4 và dài lâu sau đó với nỗ lực giữ gìn, phát huy không ngừng nghỉ.

MỚI - NÓNG