Đờn ca tài tử: Thiếu bài bản, sáng tạo?

Quang cảnh buổi tọa đàm. ẢNH: SÁU NGHỆ
Quang cảnh buổi tọa đàm. ẢNH: SÁU NGHỆ
TP - Sáng 8/4, Sở VHTT&DL TP Cần Thơ tọa đàm “Đờn ca tài tử -Từ di sản đến hiện thực” có nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân, đại diện các trường học, bảo tàng tham dự.

Các ý kiến vẽ ra nhiều hình ảnh khá trái ngược nhau, người cho rằng đờn ca tài tử thu hút đông người chơi với hàng nghìn câu lạc bộ (CLB), số khác lại chỉ trích đờn ca tài tử chạy theo hình thức, thậm chí băn khoăn nguy cơ tàn lụi.

HỌC LÓM

Phó giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, ông Hồ Văn Hoàng, kể rằng từ huyện Châu Thành tách ra quận Cái Răng và huyện Phong Điền, quận chỉ có 7 CLB, còn huyện có hơn 60 CLB đờn ca tài tử. “Dứt khoát một trong hai con số không chính xác. Có lẽ con số 7 đúng với chất lượng hơn”, ông Hoàng nói. 

“Nhưng 7 CLB cũng là trên danh nghĩa, xét về chất lượng thì gom lại thành một cũng không được”, TS Huỳnh Công Tín, PGĐ Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thành phố HCM, nhận xét. Vì một CLB có chất lượng theo TS Tín phải “hội đủ lực lượng sáng tác, thầy đờn, tài tử ca”.

Ý kiến của TS Tín được nhiều người tán đồng. Nghệ sỹ Minh Thơ ở quận Ô Môn (Cần Thơ) cho biết, những bậc thầy về đờn ca tài tử xưa kia đều phải rất rành 20 bản tổ trong 119 bài tài tử đã có lời ca hẳn hoi. 

“Còn hiện nay, nơi nào có dán bảng ấp văn hóa, xã văn hóa thì thấy có bảng CLB đờn ca tài tử nhưng thực chất đa phần quá yếu kém. Có một bộ phận chơi tài tử, nhất là thanh niên, còn nhầm lẫn đờn ca tài tử với vọng cổ và cải lương”, nghệ sỹ Minh Thơ thở dài.

Thiếu người am hiểu chỉ bảo trực tiếp nên đờn ca tài tử lâu nay tồn tại theo kiểu “học lóm”. TS Tín lo lắng: “Không biết tương lai đờn ca tài tử sẽ đi về đâu?”.

THIẾU ĐỜN, CẦN BẦU

Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, ông Đặng Xuân Phương cho biết thực trạng thiếu nhạc công đờn ca tài tử rất trầm trọng: “Trong lần liên hoan đờn ca tài tử năm 2013, có 6/9 đơn vị phải mời nghệ nhân đờn ở tỉnh bạn sang hỗ trợ”. Thiếu thầy đờn là sự thiếu vắng rất đáng lo trong bảo tồn đờn ca tài tử.

Bài Tình anh bán chiếu của Viễn Châu có câu “Nhà của cô sau trước vắng tanh gió lạnh chiều hôm bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm”. Trong đờn ca tài tử, tiếng đờn cất lên trước rồi tiếng ca mới vào sau, đờn dẫn dắt và nâng đỡ tiếng ca. 

Các vị tổ đờn ca tài tử đều rất giỏi đờn, những người đúc kết nên 20 bản tổ như ông Nguyễn Quang Đại vốn là quan nhạc dưới bốn triều vua Nguyễn, hoặc Nhạc Khị ở Bạc Liêu là nhạc sư mù hai mắt, liệt một chân. Nay có nhiều CLB đờn ca tài tử mà nghệ sỹ Minh Thơ nhận xét “không có được một thầy đờn đủ trình độ bài bản”.

PV Tiền Phong hỏi một số đại biểu: Đờn ca tài tử là tiếng lòng diễn tả đủ các cung bậc tình cảm của con người, các CLB hiện nay đạt được chưa? Mọi người khẳng định: “Chưa!”. TS Tín cho biết, ông đang nghiên cứu về các sáng tác mới, chưa thống kê cụ thể nhưng nhìn chung, các bài tài tử mới hầu hết thiên về ca ngợi quê hương đổi mới.

Giám đốc Phương thừa nhận, đờn ca tài tử diễn tả nỗi buồn mới hay nhưng trong các cuộc liên hoan không dám khuyến khích, nên các CLB khi diễn tả nỗi buồn đều phải hát bài cũ “nghe nhàm chán”. “Thiếu hơi thở đương đại thì làm sao có sức sống?”, PV hỏi tiếp. Soạn giả Nhâm Hùng trả lời: Nên các CLB hiện nay thiếu sức lôi cuốn, hầu hết là người lớn tuổi.

Soạn giả Nhâm Hùng bày tỏ, đờn ca tài tử đang rất cần sự sáng tạo, trong viết bài bản tài tử và cả trong ứng dụng khoa học công nghệ để phổ biến. 

Ông nói: “Cần thoát khỏi lối hội diễn sáo mòn mấy chục năm qua, mà chú trọng tạo điều kiện phát triển các ông bầu là những nhà tổ chức, quảng bá”. Nghệ sỹ Minh Thơ nói thêm: “Cán bộ quản lý cần người hiểu biêt về đờn ca tài tử để thoát khỏi trì trệ, chất lượng kém”. 

Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hồ Văn Hoàng đồng ý là cần có tư duy mới trong quản lý. “Ngay văn bản hướng dẫn quản lý từ Bộ VHTT&DL trước nay cũng chưa có, chúng tôi cứ mày mò theo kinh nghiệm”, ông Hoàng nói. 

TS Dương Thu Vân, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật TP Cần Thơ, cho biết trong 20 năm qua, trường tuyển sinh đào tạo 105 diễn viên cải lương và 15 nhạc công cải lương, nhưng tốt nghiệp theo thứ tự chỉ được 41 và 7 người. Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, ông Đặng Xuân Phương, nói thêm, mỗi lần liên hoan đờn ca tài tử, mỗi quận huyện chỉ cử một đội tham gia mà hầu hết “phải chạy mượn chỗ nọ, chỗ kia búa xua”.

MỚI - NÓNG