Đờn ca tài tử lần đầu tụ hội cấp quốc gia

Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Phan Thanh Cường
Đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Phan Thanh Cường
TP - Một Festival nội dung rất đa dạng, phong phú tôn vinh Đờn ca tài tử lần đầu được tổ chức ở tầm quốc gia (từ 20 đến 24/4/2014) tại quê hương Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Công tử Bạc Liêu.

Ngày 5/12/2013, UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Quả là một niềm vui rất lớn, nhưng Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, diễn ra tại Bạc Liêu từ 20 đến 24/4/2014 vừa được tỉnh Bạc Liêu và Bộ VH, TT & DL công bố không phải có sự kiện này mới tổ chức. Ý tưởng và quyết định tổ chức Festival quốc gia đầu tiên để tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này đã ra đời từ trước và mùa hè vừa qua, đến TP Bạc Liêu, chúng tôi đã thấy công việc chuẩn bị đang được tiến hành.

Ông Võ Văn Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, đồng trưởng ban Chỉ đạo Festival nhấn mạnh tính toàn vùng và tính cả nước của Festival. Ông cho biết đã có một số liên hoan Đờn ca tài tử tổ chức trước đây nhưng chỉ mang tính chất cụm và vùng. Đây là lần đầu tiên cả 21 tỉnh Đông và Tây Nam bộ cùng góp mặt về ngày hội của loại hình nghệ thuật dân tộc được coi là hồn cốt của cả Nam bộ.

Ông Dũng cũng nói việc Festival chọn Bạc Liêu làm nơi tổ chức lần thứ nhất là do các tỉnh bạn ở Nam bộ nhất trí rất cao. Có lẽ bởi Bạc Liêu là quê hương của vị thầy đàn mù nổi tiếng tên là Lê Tài Khí, tục gọi Hai Khị hay Nhạc Khị, là thầy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, và là người đầu tiên có công sưu tầm hầu hết các bản nhạc đờn ca tài tử của cả Nam Bộ.

Bạc Liêu cũng là nơi sống và sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Và nhiều soạn giả, nghệ sĩ Bạc Liêu đã góp công vào phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử thành vọng cổ, cải lương...

Tất cả 21 tỉnh Nam bộ sẽ cử đoàn của mình tham dự, ngoài biểu diễn tại TP Bạc Liêu còn đi xuống các huyện phục vụ bà con. Tiếp thu ý kiến các nhà báo, có thể BTC sẽ mời cả các CLB Đờn ca tài tử ở phía Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình...) vào dự. Bạc Liêu cũng mời cả Ninh Bình - tỉnh kết nghĩa vào biểu diễn nghệ thuật hát Chèo.

Và một điều quan trọng nữa của Festival là bên cạnh giới thiệu và kết nối văn hóa, còn phải giới thiệu và kết nối được đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch.

Tại Festival cũng diễn ra nghi lễ đón Bằng vinh danh của UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; Lễ khánh thành Khu lưu niệm; triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật về sự ra đời, phát triển của bản Dạ cổ hoài lang, Đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương và về sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Trong thời gian diễn ra Festival cũng sẽ tổ chức lễ đặt tên cho các trụ điện và tuốc-bin của Dự án điện gió Bạc Liêu (có 62 trụ điện gió, Bạc Liêu mời 62 tỉnh, thành bạn lấy tên của mình đặt cho mỗi trụ điện).

Và một sự kiện hấp dẫn là cuộc trình diễn của 19 chiếc ô tô cổ có niên đại từ 1920 đến 1930 tại Nhà Công tử Bạc Liêu (đang được đầu tư phục dựng lại gần nhất so với thời công tử còn ở) và các đường phố của thành phố sau hành trình từ TP Hồ Chí Minh xuống.

Con số 19 không phải ngẫu nhiên mà do bản Dạ cổ hoài lang được sáng tác năm 1919 và nhà của công tử Bạc Liêu cũng được xây dựng năm 1919.

Theo bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó trưởng ban thường trực BTC thì Festival có quy mô rất lớn và nhiều nội ung, bao gồm từ trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử; hội nghị, hội thảo, chương trình nghệ thuật tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử và các tác giả, nghệ sĩ đến các cuộc thi trên các lĩnh vực sáng tác nhạc, phim tài liệu, báo chí, người đẹp; triển lãm nghệ thuật và các chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, các lễ hội ẩm thực...

Thứ trưởng Bộ VH, TT &DL Huỳnh Vĩnh Ái- đồng trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Festival này cho biết Đờn ca tài tử, vọng cổ là loại hình nghệ thuật đặc biệt mà người thể hiện có thể là bất kỳ ai từ người bình thường cho đến các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học..., và có thể trình diễn trong bất kỳ không gian nào.

Điều đó khiến cho nó trở thành loại hình nghệ thuật mật thiết với cộng đồng khoảng 30 triệu người Nam bộ. Khi xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể, các nước rất chú ý đến tình tiết này.

Ông cũng cho biết chắc chắn đây không phải là Festival tổ chức một lần duy nhất mà định kỳ, Bộ VH, TT & DL đang cân nhắc vấn đề để cho các tỉnh luân phiên tổ chức hay để Bạc Liêu thành địa chỉ cố định gắn với Festival Đờn ca tài tử, giống như Thừa Thiên Huế với Festival Huế, Đà Nẵng với cuộc thi pháo hoa quốc tế...

Lê Xuân Sơn

Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam ở vùng Nam bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây ghi ta phím lõm. Tuyệt tác đỉnh cao của Đờn ca tài tử là bản Dạ Cổ hoài lang (1919) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, từ đây sẽ phát triển thành vọng cổ và cải lương.

(Nguồn Wikipedia)

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.