Chữa trị tận gốc

Chữa trị tận gốc
TP - Hôm qua, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trò chuyện với phóng viên Tiền Phong về chuyện đổi mới bộ máy chính trị và làm sao chống tha hóa quyền lực, nhân Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đang diễn ra.

Ông Hoàng, và chắc chắn là nhiều người trong chúng ta, từ dân thường đến quan chức cấp cao đều nhận thấy rằng, bộ máy của ta cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm nhiều khi không rõ ràng.

Và điều đặc biệt quan trọng: chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực, hay nói cách khác là cơ chế ấy chưa hiệu quả, nên dẫn đến lạm dụng quyền lực và đương nhiên là những tiêu cực. Thấy được gốc của bệnh thì cũng thấy được phương hướng “chữa trị”.

Có lẽ, ai cũng thấy cuộc chiến chống tham nhũng thời gian gần đây đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như vị nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói, chống tham nhũng dù tốt bao nhiêu cũng chưa đủ, chủ yếu mới là giải pháp tình thế, còn phải nghiên cứu áp dụng càng sớm càng tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống một cách căn bản, lâu dài.

Bởi việc chống tham nhũng bấy nay thực hiện mới chỉ là chữa triệu chứng, xử lý những biểu hiện của “căn bệnh”, chưa thực sự đi vào nguyên nhân, xử lý tận gốc căn bệnh ấy. Chúng ta mới xử lý những kẻ tham nhũng, những kẻ lạm dụng quyền lực để tư lợi nhưng chưa giải quyết rốt ráo và ở tầm căn cốt của nạn tham nhũng là cơ chế và tổ chức bộ máy. Đâu là những kẽ hở trong cơ chế để quan chức tham ô lợi dụng, những khiếm khuyết gì trong tổ chức bộ máy tạo cơ hội cho những kẻ tham lam, thiếu đạo đức chui sâu, leo cao?

Chắc chắn trong hội nghị Trung ương lần này, những vấn đề đó đang được bàn thảo kỹ càng.

Và có thể nói, kiểm soát quyền lực và cơ chế hữu hiệu, khoa học phục vụ mục tiêu này là một nội dung đặc biệt quan trọng, là mấu chốt của vấn đề. Ai sẽ kiểm soát ai? Thiết chế nào cho việc kiểm soát ấy? Vai trò của người dân như thế nào? Vai trò của các cơ quan dân cử ra sao? Tất cả đều là những điều cần bàn kỹ, làm rõ.

Nhưng trên hết, kiểm soát quyền lực tốt nhất không gì bằng hai chữ “minh bạch”, bởi chỉ có minh bạch mới tạo điều kiện để các cơ quan giám sát lẫn nhau, người dân và báo chí mới có điều kiện thực thi quyền và nghĩa vụ của mình. Nói như một quan chức Chính phủ mới đây: “Tạo lòng tin trong nhân dân rất quan trọng, nhưng lòng tin đó phải bằng việc công khai, minh bạch”. 

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.