Đổi mới bộ máy chính trị là yêu cầu cấp thiết

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương
TP - Ngày mai (4/10), Hội nghị Trung ương 6 chính thức khai mạc được chờ đợi sẽ bàn thảo, thông qua đề án xây dựng tổ chức bộ máy chính trị và đề án đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập… Trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng, đây được xem là một cuộc cải cách nhằm đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ cho phát triển.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Bộ máy ngày càng phình to

Tôi thấy sự chuẩn bị của các cơ quan cho hai đề án trên là rất quyết liệt. Nhiều cơ quan bị sáp nhập cũng có vẻ còn băn khoăn vấn đề này, vấn đề kia. Nhưng đã đưa ra Trung ương thì chắc chắn sẽ thảo luận dân chủ, đổi mới thì phải va chạm, phải quyết liệt. Có đổi mới tổ chức bộ máy thì mới tạo ra sự đồng bộ với sự nghiệp đổi mới kinh tế mà chúng ta đã thực hiện từ năm 1986 đến nay. Thực tế những năm qua, dù chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp về xây dựng, tổ chức bộ máy nhưng việc thực hiện còn rất nhiều hạn chế. Nói tinh giản nhưng kỳ thực bộ máy lại càng phình to ra.

Nguyên nhân do các quy định về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức chưa rõ nên sinh ra tình trạng một việc nhưng nhiều người làm, cuối cùng thành tích thì hưởng, còn trách nhiệm thì đổ cho tập thể. Có tình trạng nể nang rồi kéo người nhà, người thân vào tổ chức, hệ thống. Người ta vào bộ máy cốt để giữ ghế, có lương, có thu nhập ổn định, tuy không cao nhưng nhờ có vị trí mà họ có thêm thu nhập “ngoài luồng”, tiêu cực. Họ ăn tiền của công dân, tổ chức doanh nghiệp và ngồi lì ở đó.

Việc bố trí cán bộ chủ chốt trong tổ chức, bộ máy cũng còn những bất cập. Vẫn còn tình trạng làm việc theo nhiệm kỳ, tư duy nhiệm kỳ nên nảy sinh ra nhiều tiêu cực… Do đó, việc đổi mới tổ chức bộ máy chính trị là việc làm hết sức cần thiết lúc này.

Ngoài ra, lần này Trung ương cũng cần phải thảo luận và xử lý nghiêm minh những cán bộ dính dáng đến các vụ việc tiêu cực, nổi cộm mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua. Ví dụ như trường hợp của Bí thư Thành uy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư xử lý thì tới đây dứt khoát phải xử lý dứt điểm. Tuy nhiên qua xử lý cán bộ vi phạm thì T.Ư cũng cần phải thảo luận để rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác bố trí cán bộ, nhất là việc bố trí cán bộ chủ chốt trong tổ chức, bộ máy.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư: Nghiêm khắc làm trong sạch đội ngũ

Đổi mới bộ máy chính trị là yêu cầu cấp thiết ảnh 1

Tôi mong đợi Hội nghị T.Ư 6 lần này tiếp tục có những quyết sách mới để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Qua báo chí nêu thì quá trình chuẩn bị cho Hội nghị có đề án rất lớn về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi rất mong đợi, rất mong T.Ư quan tâm đến việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Mà cụ thể của chỉnh đốn Đảng là những đồng chí nào không xứng đáng, đồng chí nào vi phạm thì phải báo cho toàn dân biết, toàn Đảng biết.

Tôi mong Hội nghị này có sự chuẩn bị kỹ, để T.Ư nghiêm khắc tiếp tục làm trong sạch đội ngũ của mình, đáp ứng mong muốn của đảng viên, của nhân dân. Mong muốn làm đến cùng, làm triệt để nhưng thận trọng để Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng càng trong sạch thì càng giữ vững lòng tin với dân, xứng đáng với niềm tin của dân. Chúng tôi chờ đón, mong đợi những quyết sách mới trong đường lối, chủ trương của Đảng tại Hội nghị T.Ư 6 lần này. Báo chí đã đưa về những nội dung liên quan đến các trường hợp cán bộ có sai phạm như ở Đà Nẵng, PVN, mà trong chương trình nghị sự cũng có việc xem xét về tổ chức cán bộ. Theo tôi đã đến lúc có thể xem xét được vì chín muồi rồi.

Ông Lê Thanh Vân, ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội: Sáp nhập các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng

Đổi mới bộ máy chính trị là yêu cầu cấp thiết ảnh 2

Những năm qua, chúng ta đã có nhiều đợt cải cách về tổ chức, bộ máy nhưng kết quả đạt được rất hạn chế. Bộ máy nhìn chung vẫn cồng kềnh, chồng chéo, nặng quan liêu. Ngân sách chi cho bộ máy càng ngày càng lớn, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, nhiều cơ quan, nhiều đầu mối nhưng khi vụ việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ đông nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong người dân và dư luận.

Thực trạng trên cho thấy, cần phải cải cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy cũng như sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cho hiệu quả, hợp lý nhất, năng động nhất. Trong cải cách tổ chức bộ máy thì phải tính đến việc sáp nhập, nhất thể hóa các chức danh, tránh sự trùng lắp công việc hoặc đùn đẩy trách nhiệm…Phải phân cấp, phân quyền mạch lạc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Không để nảy sinh ra các cơ quan trung gian. Đối với những cơ quan có chung nhiệm vụ tương đồng như Tài chính và Kế hoạch – Đầu tư; hay Giao thông và Xây dựng thì nên nghiên cứu sáp nhập lại với nhau…

Tương tự, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định lại theo hướng xã hội hoá. Cái gì mà xã hội làm được thì để xã hội làm, còn cái gì xã hội, tư nhân không làm được thì nhà nước làm. Phải trao cho các đơn vị sự nghiệp quyền độc lập về tổ chức bộ máy; có quyền độc lập về nhân sự; kế hoạch hoạt động và tài chính - ngân sách. Làm được như vậy sẽ tiết giảm được ngân sách nhà nước nuôi bộ máy và tạo dư địa để kinh tế tư nhân làm ăn, phát triển.

MỚI - NÓNG