Chữ tình gửi lại của Trình Quang Phú

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn và chữ tình gởi lại tập hợp gần 50 ký văn học của nhà văn Trình Quang Phú-một thông tín viên kỳ cựu của báo Tiền Phong. Lễ ra mắt sách ấm áp và xúc động, thấm đẫm chữ tình của tác giả và những người yêu quý ông diễn ra sáng 22/7 tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Góc khuất của nhiều văn nhân

Cuốn sách ngót 300 trang thu hút độc giả từ tấm bìa sách. Ảnh của nhiều cây đại thụ như Nguyễn Tuân, Kim Lân, Xuân Diệu, Nguyễn Quang Sáng... được in ngay bìa Nhà văn và chữ tình gởi lại. Những tấm chân dung bắt khoảnh khắc, khắc họa chân dung các văn nhân do tác giả chụp lại trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vốn sống, trải nghiệm quý báu bên những tên tuổi sừng sững giúp nhà văn Trình Quang Phú có thể tự tin và tự hào về những trang viết rất riêng về nhiều văn nghệ sĩ.

Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại Tuy An, Phú Yên. Ông là đại tá an ninh nghỉ hưu, nguyên là chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng, từng là trợ lý Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông từng giữ nhiều vị trí, vai trò ở một số viện, hiệp hội, CLB. Ông là nhà báo, nhà văn kỳ cựu (cộng tác viên ruột của báo Tiền Phong suốt hơn 30 năm). Một số tác phẩm đã xuất bản: Miền Nam trong lòng Bác, Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 19 lần), Từ làng Sen đến bến nhà Rồng (tái bản 20 lần), Người con gái Tuy Hòa, Ký sự xứ người...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chào mừng tác giả và cuốn sách mang tính “văn chương và lịch sử” bởi Trình Quang Phú “đi qua nhiều thời kỳ lịch sử”. “Nhiều nhà văn có mặt trong cuốn sách rất nổi tiếng, độc giả đã biết đến họ, đọc về họ rất nhiều. Ấy thế nhưng nhà văn Trình Quang Phú đã bước đến, sống cùng họ, phát hiện ra những vẻ đẹp khác trong góc khuất tâm hồn của họ”, ông Thiều nhận định.

Chữ tình gửi lại của Trình Quang Phú ảnh 1

Kỷ niệm của nhà văn Trình Quang Phú với nhà văn Nguyễn Tuân trong chuyến đi Cô Tô

Chủ tịch Hội nhắc tới nhiều câu chuyện xúc động, những chi tiết đặc biệt được tác giả gợi nhắc. Các nhân vật vốn là nhà văn, nhà thơ lẫy lừng tiếp tục được mở ra nhiều câu chuyện khác. Trình Quang Phú đã tiếp xúc, chia sẻ, đau buồn với các văn nghệ sĩ trong cuốn sách để độc giả hiểu thêm góc khuất khác trong con người mỗi nhà văn. “Những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Văn Cao và những người khác nữa…. bằng giọng kể chân thực, chính xác, Trình Quang Phú đã dựng nên chân dung họ. Thấm đẫm trong mỗi trang viết là nhân tính đẹp đẽ để lại”, Nguyễn Quang Thiều nói.

Chữ tình gửi lại của Trình Quang Phú ảnh 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chúc mừng vợ chồng nhà văn Trình Quang Phú Ảnh: KỲ SƠN

Cuốn sách làm sống lại cả một thời kỳ văn học thông qua kỷ niệm với các nhà văn. Đó là nhận định đầu tiên của nhà thơ Hữu Thỉnh về cuốn sách của Trình Quang Phú. “Đó là thời kỳ rất đẹp, thời kỳ văn học trong chiến tranh khi đất nước xẻ mình cho cuộc chiến giành độc lập tự do. Các nhà văn Việt Nam bị cuốn hút vào dòng chảy cách mạng và kháng chiến ấy. Anh Phú có vốn sống, có duyên và sự may mắn khi gặp và lưu giữ nhiều kỷ niệm với nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Tuân, Bảo Định Giang, Xuân Diệu...”, ông Thỉnh nói.

Ông Hữu Thỉnh đánh giá “những trang viết trút hết tình cảm của tác giả cho nhân vật”. “Các nhà văn để lại chữ tình cho bạn đọc thì chính Trình Quang Phú để lại chữ tình của mình đối với bạn đọc. Họ cảm nhận được cái tình của anh đối với các nhà văn. Anh viết rất kỹ, sinh động, viết chân thực. Anh thành công bởi lẽ, thể ký văn học yêu cầu quan trọng nhất là chân thực. Từ sự chân thực này hiện lên chân dung của các nhà văn” ông phân tích. Hữu Thỉnh đặc biệt tâm đắc với bài ký về Nguyễn Tuân “rất hấp dẫn, toát lên đúng phong cách Nguyễn Tuân”.

Phong cách của nhà văn Nguyễn Tuân khắc họa trong tác phẩm của Trình Quang Phú được nhà thơ Nguyễn Bình Phương phân tích kỹ hơn với chi tiết thú vị. Chẳng là đoàn nhà văn đi thực tế ở Cô Tô năm 1963 gặp bão phải chia đôi đoàn để di chuyển. Nửa đêm bão đổ bộ, Nguyễn Tuân gọi điện cho Trình Quang Phú để hỏi thăm tình hình đón bão, nhưng thực tế cụ Nguyễn thừa nhận cốt để kiểm tra xem “cái đường cáp ngầm vượt biển của ông Bưu điện Việt Nam làm có tốt không? Nghe rõ thế này là tốt lắm đấy”. Một Nguyễn Tuân tinh tế, tỉ mỉ như thế hiện lên tự nhiên trong trang viết. Cuốn sách của Trình Quang Phú còn nhận được những lời bình của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Đoàn Văn Mật, và của một tiến sĩ từng biên tập nhiều cuốn sách của tác giả.

Chữ tình ở lại

Rưng rưng chia sẻ đôi điều ở phần kết của lễ ra mắt sách, Trình Quang Phú nói đây là buổi ra mắt sách ấm áp và cảm động nhất trong suốt 82 năm cuộc đời của ông. Văn chương như ông nói là mối tình duyên thủy chung thứ ba sau mối tình thủy chung đầu tiên với đất nước và nhân dân, thứ hai là người vợ đảm.

Tác giả tự nhận mình thua thiệt hơn nhiều người cầm bút khác vì chưa được dự trường đào tạo, lớp bồi dưỡng viết văn nào. Năm 1963 ông được cử đi học lớp viết văn trẻ khóa 2, thế nhưng cơ duyên đưa đẩy ông trở thành trưởng đoàn đưa các nhà văn ra Cô Tô thực tế. Chuyến đi giúp ông có cơ hội gần thêm với những tên tuổi như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân... “Có lẽ trường học lớn nhất của tôi là được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ. Mỗi người đều cho tôi bài học rất hay”, nhà văn Trình Quang Phú tâm tình.

Sau những lần gặp gỡ, giao lưu và sự thân tình với các tên tuổi lớn, Trình Quang Phú được bồi đắp thêm kiến thức về chữ nghĩa, văn chương. Sau một lần tình cờ gặp và tiếp nhà văn Nguyễn Tuân trong chuyến khảo sát trị thủy ở Sơn La, tác giả Vang bóng một thời ân cần dặn dò Trình Quang Phú cứ tiếp tục viết bởi có được vốn sống như thế rất quý, phải có một cuốn sổ tay ghi lại hết. “Thực tế cuộc sống trong anh nó ngồn ngộn như vậy mà không viết thì chỉ có vứt xuống thác sông Đà làm mồi cho cá”-lời Nguyễn Tuân khích lệ Trình Quang Phú cầm bút. Nhờ sự động viên của Nguyễn Tuân, sau này ký sự Bước chân người địa chất Thủy Lợi trên sông Đà đạt giải Nhì trong cuộc thi viết ký sự của báo Cứu quốc năm 1962.

Xuyên suốt cuốn sách về chân dung nhiều văn nghệ sĩ, tác giả Trình Quang Phú gửi gắm thông điệp giản dị. “Chữ tình quý lắm. Cái gì cũng hết, chức vụ to mấy cũng hết, tiền nhiều cũng qua đi, chỉ chữ tình còn lại. Tôi có cảm giác trong cơ chế thị trường ngày nay chữ tình không còn sâu sắc và đẹp như xưa- thời chiến trường hạt muối cắn làm đôi. Cuốn sách này sẽ góp vào bảo tàng sống-nghĩa là mỗi chúng ta luôn lưu giữ, quảng bá về các văn nghệ sĩ, về tình cảm của họ để lại. Tôi mong rằng lớp trẻ sẽ luôn sống với nhau, với nhân dân đất nước bằng chữ tình. Nhờ chữ tình, chúng ta sống với nhau chân thật hơn, tốt đẹp hơn”, ông nói.

Trước những tình cảm ấm áp mà lãnh đạo Hội Nhà văn và đồng nghiệp dành cho, nhà văn Trình Quang Phú nói rằng, vịn vào điều này ông sẽ “tiếp tục viết nhiều hơn, viết tốt hơn nữa”.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.