Thấm nhuần lời chỉ dạy của ông tổ thuốc Nam – Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu người làm nhiệm vụ của mình”, chữ Tâm với doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận luôn được đặt lên hàng đầu….
Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận
Chào chị, nếu không được giới thiệu trước có lẽ tôi cũng như nhiều người khác sẽ nhầm tưởng chị là một nhà giáo hơn là một doanh nhân! Cơ duyên nào khiến chị đến với ngành dược ?
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành Đông dược. Ấn tượng đầu tiên của tôi với nghề chính là đạo đức vì bố mẹ tôi là lương y, chuyên chẩn trị, bốc mạch, kê đơn thuốc chữa bệnh. Thời phổ thông, tôi đam mê môn hóa học và đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, tôi được phân công về Sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và gắn bó với Traphaco hơn 34 năm rồi.
Đồng hành cùng Traphaco qua nhiều thời kỳ thăng trầm khác nhau. Chị thấy giai đoạn nào là khó khăn nhất ?
Tôi cho rằng, giai đoạn nào cũng có những khó khăn khác nhau. Thời kỳ đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh thì cơ sở vật chất không được đầu tư, chưa có thị trường, làm theo nhiệm vụ. Năm 1993, chúng tôi là DN nhỏ, thị trường chưa có, phải tự hạch toán đầy đủ các chế độ như một DN nhà nước, hoàn toàn không được đầu tư, tự làm tự ăn, tự chịu trách nhiệm.
Bước vào giai đoạn cổ phần hóa, chúng tôi phát huy được sự chủ động, nhưng cái khó ở chỗ, Traphaco xuất phát điểm là một DN nhỏ, không có lợi thế gì, tổng tài sản chỉ có 9,9 tỷ đồng. Nhờ chủ động sáng tạo để vượt qua khó khăn, xác định được hướng đi theo con đường khác biệt là phát triển thuốc y học cổ truyền - điều khác xa so với các công ty dược thời kỳ đó là sản xuất thuốc generic. Ngày nay, người ta nói nhiều đến chiến lược “đại dương xanh”, điều mà Traphaco đã làm cách đây 10 năm. Nhờ có chiến lược đó, Traphaco đã gặt hái được những thành công nhất định.
Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận: 'Văn hóa Traphaco là văn hóa chia sẻ'
Vậy còn thời điểm hiện tại thì sao, phải chăng đã “xuôi chèo, mát mái”, thưa chị ?
Hiện tại chúng tôi vấp phải sự cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh không lành mạnh của nhiều DN dược quy mô nhỏ. Do vậy, tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất chính là những vấn đề trước mắt, vì khi khó khăn này đi qua chúng tôi lại đối đầu với những thách thức khác. Điều quan trọng là nhìn thấy được cơ hội phát triển trong những nguy cơ đó. Và DN nào nắm bắt được những cơ hội ấy sẽ thành công.
Năm 2002 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với ngành dược trong nước khi Nhà nước có chiến lược quốc gia trong đó ưu tiên phát triển thuốc từ dược liệu. Có vẻ như Traphaco chỉ thực sự phát triển cả về quy mô, chiều sâu và công nghệ từ giai đoạn này ?
Đúng như vậy, chúng tôi phát triển từ cái riêng biệt của mình nhưng chúng tôi được hỗ trợ khi Nhà nước có chiến lược quốc gia trong đó ưu tiên phát triển thuốc từ dược liệu. Chiến lược này khai thác ưu thế của một quốc gia đa dạng sinh học, có nền y học cổ truyền lâu đời. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập, đặc biệt là hội nhập về KHCN, nếu như nắm bắt được KHCN, kết hợp với tinh hoa của truyền thống y học cổ truyền thì sẽ thành công. Hàng năm, Traphaco đầu tư 2% - 5% doanh thu cho hoạt động KHCN, bao gồm đổi mới thiết bị, công nghệ và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, chúng tôi còn chú trọng công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển KHCN. Hoạt động KHCN luôn song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển vượt bậc của Traphaco.
Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận trao quà cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Không ít người nhận xét, sự phát triển của Traphaco ngày nay mang nhiều dấn ấn cá nhân của chị. Điều này có thể hiểu như thế nào, thưa chị ?
Đó là sự ghi nhận của nhiều người với cá nhân tôi trong hơn 10 năm ở vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ. Tuy nhiên, phải nói rằng, Traphaco phát triển như bây giờ là nhờ sức mạnh của tập thể, từ sự đóng góp của toàn thể CBCNV.
Theo chị, nền nông nghiệp dược liệu của VN đang ở mức độ nào so với khu vực. Cần phải có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy sự phát triển trong tương lai ?
Nông nghiệp dược liệu của VN đang ở mức độ phát triển thấp so với khu vực nhưng có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Chính phủ đã có chính sách tập trung phát triển nông nghiệp, trong đó có cây thuốc, đặc biệt là Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Chúng ta có lợi thế về đa dạng sinh học nhưng chưa có vùng trồng tập trung, trình độ canh tác còn thấp. Do vậy, giải pháp để phát triển dược liệu trong tương lai là làm sao liên kết được 4 nhà: nhà nước – DN – nhà khoa học – nhà nông, trong đó DN đóng vai trò là trung tâm. Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu tiên dành cho các DN tiên phong đầu tư cho cây thuốc, đặc biệt là các DN phát triển vùng trồng dược liệu như giảm thuế, ưu tiên sử dụng dược liệu địa phương tại các cơ sở khám chữa bệnh, được ưu tiên trong công tác đấu thầu…
Phát triển dược liệu, cây thuốc chính là cách xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, chưa kể đến ý nghĩa trong việc bảo tồn cây thuốc. Trong tương lai, chúng ta có thể xuất khẩu các sản phẩm thuốc từ dược liệu, vì đây là lợi thế khác biệt so với các DN dược phẩm khác trên thế giới.
Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận trao quà tặng cho chiến sỹ Hải quân tại chương trình Xuân Trường Sa 2013
Người ta luôn nhắc tới Traphaco với mỹ từ “cánh chim đầu đàn” trong đổi mới công nghệ, thích nghi với cơ chế mới. Chị có thấy vui khi đón nhận những tình cảm này ?
Tôi thực sự rất vui trước sự ghi nhận của xã hội đối với những nỗ lực tiên phong của Traphaco. Từ thời điểm năm 2000, khi chúng tôi lựa chọn chiến lược hiện đại hóa thuốc Đông dược, sau hơn 10 năm chúng tôi đã trở thành DN Đông dược số 1 trên thị trường. Chúng tôi luôn tiên phong trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Đến nay đã hoàn thành hồ sơ bản công bố dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO (trồng trọt và thu hái sạch cây thuốc) cho 4 dược liệu quan trọng (đinh lăng, bìm bìm, rau đắng đất, actiso) trình lên Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Đây là các nguyên liệu chủ yếu sản xuất các dòng sản phẩm chủ lực của Traphaco, như: Hoạt huyết dưỡng não Cebraton và Boganic. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Traphaco trong áp dụng KHCN, tạo ra sức mạnh cạnh tranh
Thấy chị luôn xuất hiện trong các chương trình từ thiện, hỗ trợ nông dân, người nghèo một cách âm thầm. Điều này khác xa với những chương trình từ thiện ồn ào của một số DN khác ?
Chúng tôi thực hiện các hoạt động vì cộng đồng xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm, của người thầy thuốc như bác Hồ từng dạy “Lương y như từ mẫu”. Đây cũng là trách nhiệm của DN chia sẻ với cộng đồng. Khi đã kinh doanh chân chính phải bắt nguồn từ cái tâm. Văn hóa Traphaco là văn hóa chia sẻ, do vậy mà hoạt động vì cộng đồng được chúng tôi thực hiện từ khi DN còn nhiều khó khăn cho đến tận bây giờ.
Trong cuộc sống thường nhật, với thiên chức là người phụ nữ, có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi khi phải “gánh” cả việc nhà và những thách thức trên thương trường?
Tính cách của người phụ nữ VN nói chung là càng khó khăn lại càng quật cường. Đối với người phụ nữ trong vai trò chèo lái DN như tôi, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Và bản thân tôi cũng phải vượt lên chính mình để hài hòa cả hai vai trò.
Xin cảm ơn chị. Chúc chị luôn thành công với các dự định trong tương lai