Chống sốc cho con khi chuyển cấp

Toàn cảnh buổi buổi sinh hoạt Câu lạc bộ phụ huynh học sinh với chủ đề Làm bạn cùng con.
Toàn cảnh buổi buổi sinh hoạt Câu lạc bộ phụ huynh học sinh với chủ đề Làm bạn cùng con.
TP - Với học sinh chuyển cấp, áp lực không hề nhẹ, đã có những bài học đáng tiếc xảy ra, trong đó có sự vô tâm của người lớn. Làm bạn cùng con, có dễ không?

Buổi sáng một ngày chủ nhật tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, có sự hiện diện của rất nhiều phụ huynh khối lớp 6. Đó là buổi sinh hoạt Câu lạc bộ phụ huynh học sinh với chủ đề Làm bạn cùng con. Như được cởi lòng mình, nhiều phụ huynh đã đứng lên chia sẻ với nhà trường câu chuyện của chính mình khi con bước vào lớp 6.

Phụ huynh cũng sốc

Phụ huynh của một bạn lớp 6A6 chia sẻ: “Học ở tiểu học, con tôi là ngôi sao của trường và của lớp. Nhưng khi vào lớp 6, bộ sưu tập điểm của cháu là từ 0, 1, 2, 3, 4. Hôm trước cháu được 1 điểm, hôm sau cháu còn hớn hở khoe là hôm nay con được điểm gấp đôi hôm trước, tức là được 2 điểm. Đó là chưa kể cháu có một rổ “trứng” (điểm 0) môn Sinh học. Tôi thực sự sốc! Con đi học mấy tuần mà tôi phải viết đến hơn chục cái status (trạng thái) trên Facebook”.

Trong khi đó, một phụ huynh khác có con học lớp 6A5 cho biết chị cũng sốc vì vốn là dân ngoại ngữ, hàng tháng, chị đều mời bạn là người nước ngoài về nhà ăn cơm để con gái có cơ hội giao lưu, học hỏi nên trình độ tiếng Anh của con không tồi. Thậm chí con thi còn có giải nhưng điểm kiểm tra tiếng Anh của con ở trường chỉ đạt 3,25 điểm. “Lúc đầu tôi định cho con gái đi học thêm, nhưng nghĩ để cho con thêm một thời gian nữa xem sao. Rồi khi con khóc nói với tôi là mẹ không cho con thời gian để chơi. Tôi chợt tỉnh” - chị phụ huynh chia sẻ.

Tại buổi sinh hoạt, nhiều phụ huynh khác cũng cho biết họ đã rất sốc khi con vốn là ngôi sao ở trường tiểu học, nhưng khi lên lớp 6, điểm số đì đẹt bất ngờ. Có phụ huynh đã mắng con khi con nói môn Toán chỉ được 7 điểm.

Một phụ huynh có con học lớp 6A4 không sốc vì con điểm thấp mà sốc vì những điều con đã dám nói với mẹ. Theo chị này, sau khi kết thúc ngày học, con chị lên xe bus về nhà, con nhắn tin báo cho mẹ đã lên xe nhưng kèm theo đoạn: “Hôm nay con xui quá, con kiểm tra toán chỉ làm được một nửa, chữ lại xấu nên con nghĩ điểm sẽ thấp hơn 5. Nhưng con cấm mẹ mắng con. Mẹ mắng con là con sẽ mách cô”.

Giải pháp  cho học sinh

Khi được cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, phụ huynh mới vỡ lẽ ra rằng chính con em họ đang bị sốc chứ không phải họ. Theo cô Thu Anh, phụ huynh cần phải chia sẻ với con. “Ở tiểu học, cô giáo chủ nhiệm là người toàn năng, cô dạy hết các môn, trừ những môn chuyên biệt, cái gì cô cũng biết, cô gắn bó với các con từ sáng đến chiều. Nhưng lên THCS, các con phải học tới 13 môn, tức là tiếp xúc với 13 giáo viên, 13 phương pháp dạy khác nhau, 13 tính cách. Chính vì vậy mà các con gặp khó khăn” - cô Thu Anh nói.

Ngoài ra, cô Thu Anh cũng cho biết, có trường hợp, các con sợ bị bố mẹ phát hiện điểm kém, cứ đến giờ nhà trường gửi tin nhắn về là ngồi canh điện thoại của bố mẹ. Thấy báo tin nhắn là “chộp” luôn để xóa. “Điều này không tốt. Chính vì vậy, các phụ huynh hãy cùng con tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết. Hôm nay điểm thấp, vì sao, vì con không hiểu bài hay vì con trình bày không đúng?” - cô Thu Anh chia sẻ.

Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A4, với kinh nghiệm làm chủ nhiệm suốt 17 năm thì học sinh khi vào lớp 6 các con gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là bạn mới, kế đến là nhiều giáo viên khác nhau dạy các môn học và cuối cùng là độ khó của chính các môn học. Cô Hà cho rằng, khi nắm được 3 trở ngại này, phụ huynh sẽ giúp con vượt qua những khó khăn. Cô cũng không ngần ngại khi cho biết, với tất cả các môn học, nếu học sinh gặp khó khăn với bài tập ở nhà, phụ huynh có thể gọi điện để trao đổi với giáo viên bộ môn hướng dẫn con làm bài. Thực tế, rất nhiều phụ huynh đang gặp khó khăn khi học cùng con, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Cô Hà cũng chia sẻ thêm, là giáo viên chủ nhiệm, túi đi làm của cô lúc nào cũng lủng củng đồ, nào kim, nào chỉ, nào cúc quần, cúc áo để “giải cứu” những lúc học trò của cô đang tuổi ăn tuổi nghịch gặp sự cố trớ trêu. 

“Bước vào THCS, các con bắt đầu thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, có những nhận thức về giới tính, bắt đầu thể hiện cái “tôi” cá nhân. Vì vậy, phụ huynh làm bạn cùng con, khi con điểm thấp không mắng nhưng cũng không được thỏa hiệp” - cô Thu Hà lưu ý.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.