Cho vay tiêu dùng: Công ty tài chính đang nắm lợi thế

Cho vay tiêu dùng: Công ty tài chính đang nắm lợi thế
Nhấn mạnh điều này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho biết: Dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã và đang góp phần quan trọng đảm bảo ổn định thị trường, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với đa dạng sản phẩm.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng cho nền kinh tế?

Luật sư Trương Thanh Đức: So với hệ thống tín dụng của các ngân hàng, dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng hiện chưa nhiều, bởi vì các công ty tài chính tiêu dùng hiện đang tập trung khai thác phân khúc khách hàng nhỏ lẻ với những khoản vay có giá trị nhỏ, thậm chí từ vài triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, lâu dài, chắc chắn tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính cũng sẽ tăng trưởng không kém gì hệ thống ngân hàng thương mại.

Có thể nói, kênh tín dụng tiêu dùng đã góp phần đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Quan trọng hơn là thông qua kênh này, xã hội đã dần đẩy lùi được nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường. Tóm lại, các công ty tài chính là một trong những kênh quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội lành mạnh và hiệu quả.

Ông nghĩ sao về miếng bánh thị phần trong cho vay tiêu dùng hiện nay? Liệu rằng, công ty tài chính đã đến lúc phải cạnh tranh?

Luật sư Trương Thanh Đức: Thị trường cho vay tiêu dùng đã có sự tham gia của hàng loạt công ty tài chính tiêu dùng, trong đó có cả những công ty tài chính có vốn nước ngoài với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, các công ty này hiện nay vẫn chưa gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt, bởi thị trường hiện vẫn còn rất rộng lớn.

Hầu như các công ty tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ tập trung khai thác thị trường chính ở các thành phố lớn, ở các tỉnh thành khác, số lượng chi nhánh hoặc điểm giao dịch của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn còn quá mỏng. Ngay cả các công ty tài chính thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước gần đây cũng chỉ mới bước đầu quan tâm đến việc chuyển đổi sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng, còn công ty nào được các ngân hàng mua lại chắc chắn sẽ tăng cường cho vay tiêu dùng trong thời gian tới. Đó là cơ sở để  có thể tin tưởng rằng, trong tương lai, thị trường này sẽ ngày một sôi động hơn.

Hệ thống ngân hàng giờ đây cũng đã chú trọng hơn đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên,  mức độ cạnh tranh trong cho vay tiêu dùng giữa các ngân hàng chắc chắn sẽ gay gắt hơn so với các công ty tài chính.

Thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng có thể có lợi thế hơn so với ngân hàng, bởi nguyên tắc cho vay đối với các ngân hàng bao giờ cũng chặt chẽ, thời gian xét duyệt hồ sơ lâu hơn.Trong khi, cách làm của công ty tài chính khá đơn giản, giúp cho khách hàng có thể được vay trong thời gian ngắn, thủ tục không phức tạp, dễ dàng đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngay tại chỗ. Thậm chí, nhiều công ty tài chính chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp chứng minh nhân, hay hộ khẩu photo… là có thể xét duyệt cho vay.

Tất nhiên, với cách làm như vậy thì các công ty tài chính chỉ có thể cho vay nhỏ lẻ. Do vậy, giữa các ngân hàng và công ty tài chính vẫn có thị trường riêng, phân khúc riêng.

Các công ty tài chính cho vay theo đúng nghĩa “vay nóng”, giúp giải quyết nhu cầu trước mắt. Ngoài ra, do việc cho vay tiêu dùng gắn chặt với việc mua bán hàng hóa, nên nhiều công ty sẵn sàng cho vay với lãi suất 0% nhưng thực chất họ được hưởng lợi từ phần trăm dịch vụ bán hàng cho doanh nghiệp.

Cho vay tiêu dùng: Công ty tài chính đang nắm lợi thế ảnh 1 Luật sư Trương Thanh Đức.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của các công ty tài chính ở khu vực nông thôn?

Luật sư Trương Thanh Đức: Thị trường nông thôn hiện chưa nhiều khách hàng vì nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này còn thấp. Hơn nữa, các công ty tài chính vẫn chưa đủ mạnh để phủ sóng đến các vùng nông thôn.Chỉ có một vài công ty tài chính lớn có vốn nước ngoài mới có lực để vươn xa ra các tỉnh lẻ.Tuy nhiên, không phải công ty tài chính có vốn nước ngoài nào cũng thực hiện được vấn đề này, bởi do khó khăn và vướng mắc về quy định pháp lý.

Vậy theo ông, lợi thế lớn nhất của các công ty tài chính so với ngân hàng hiện nay là gì?

Luật sư Trương Thanh Đức: Theo tôi, lợi thế lớn nhất của các công ty tài chính,  chính là họ chấp nhận rủi ro cao để đổi lại quy trình thủ tục cho vay nhanh và đơn giản, không đòi hỏi giấy tờ, hồ sơ xét duyệt phức tạp. Đặc biệt, quy mô nhỏ cũng giúp các công ty tài chính linh hoạt hơn trong hoạt động và trong việc đưa ra các gói sản phẩm cho vay.

Vậy còn về vấn đề lãi suất, theo ông lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nên ở mức nào là hợp lý?

Luật sư Trương Thanh Đức: Về vấn đề lãi suất nên để thị trường tự quyết định, không nên áp dụng lãi suất trần cho bất kỳ một khoản vay nào.

Trong vay tiêu dùng cá nhân, người vay và người cho vay cùng thống nhất với nhau về lãi suất, theo kiểu “thuận mua vừa bán”.

Như vậy không hề có sự độc quyền, không ai chi phối ở đây. Vậy tại sao lại phải áp dụng lãi suất trần?

Luật sư Trương Thanh Đức: Lãi suất cao là do thị trường chưa phát triển mạnh, môi trường kinh doanh của các công ty tài chính quá rủi ro. Tất nhiên chúng ta vẫn có cảm giác là lãi suất hơi quá cao, cho nên cũng cần phân loại rõ ràng. Bản thân với các khoản vay có rủi ro cao thì mức lãi suất lên đến 60-70% là cũng có lý của họ, nhưng với những khách hàng có thu nhập từ lương đều đặn, có chứng minh được thu nhập thì chỉ nên đưa lãi suất về mức 30% là hợp lý.

Nếu áp dụng trần lãi suất 20%/năm có thể sẽ tạo ra những tác động không tốt đối với sự phát triển của thị trường, hoặc là mức trần đưa ra không có giá trị áp dụng trong thực tế do không đủ bù đắp chi phí cho các tổ chức tín dụng, hoặc là các tổ chức tín dụng có thể sẽ thu hẹp phạm vi đối tượng khách hàng.

Không cần tài sản đảm bảo, không cần giấy tờ chứng minh thu nhập mà vẫn vay được vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu thì rõ ràng cần phải để cho họ quyết định mức lãi suất phù hợp, phải đảm bảo các tổ chức tín dụng bù đắp được chi phí và cơ lợi nhuận hợp lý trong các loại cho vay!

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.