“Chúng ta đã thay đổi cách thức tiếp cận khi làm luật. Đó là từ phương pháp chọn - cho, tức là cho được làm những gì thì ghi vào luật nên không bao giờ có thể ghi hết được, nay chúng ta chuyển sang phương pháp chọn - cấm. Việc chọn - cấm sẽ khó khăn cho người làm luật rất nhiều, nhưng lại hết sức minh bạch, tiên tiến. Những gì cấm thì ghi vào luật, những gì không cấm thì người dân, doanh nghiệp được làm” - Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nói. Theo đó, Dự án Luật đầu tư sửa đổi quy định rõ 6 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh ( hiện nay là 51), 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hiện nay là 386 ngành nghề được quy định trong rất nhiều văn bản khác nhau).
Như vậy, với việc thay đổi căn bản trong tư duy làm luật, chúng ta đã thay đổi tư duy từ thiên về quản lý sang phục vụ, giành lấy cái khó cái vất vả về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời dành những điều thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tức, cái lợi phải luôn đứng về phía người dân và doanh nghiệp. “Đây là đột phá cách mạng”, đúng như ĐB Trần Du Lịch nhận định. Và hy vọng, khi luật này đi vào cuộc sống, cũng sẽ đúng như nhận định Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chấm dứt cảnh doanh nghiệp, người dân phải đi “xin” đầu tư, hết thời “thích thì được cho, không thích thì không cho”.
Với luật đầu tư này, người dân sẽ được quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Cái khó cho những người làm luật, những người quản lý là phải “nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để lường được tối đa các tình huống pháp lý, bịt được tối đa các lỗ hổng trong tương lai. Tránh trường hợp như quy định trong Thông tư mới đây của Bộ VH-TT&DL, từ 25/11 sẽ không được dùng tên của danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp. Thế nhưng hiện chưa có bất kỳ một định nghĩa chính thức rằng, ai và như thế nào được coi là danh nhân, cụ thể hơn một danh sách các tên tuổi được coi là danh nhân cũng chưa hề có.
Mong rằng, “đột phá mang tính cách mạng” trong tư duy làm luật nói trên sẽ được nhân rộng ra ở nhiều bộ luật sắp tới. Công dân Việt Nam sẽ không phải xin xỏ bất kỳ ai vì mọi quy định đã rất rõ ràng minh bạch, cơ quan công quyền luôn giành lấy phần khó cho mình và dành những điều thuận lợi nhất cho người dân. Ước mong đó bao giờ thành hiện thực ?