Sáng 5/5, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đại diện cho Chính phủ hai nước đã ký kết chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Các nội dung chính của Hiệp định gồm: Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm dịch vụ Viễn thông, Tài chính...), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại Điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.
Hiệp định VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định VKFTA, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
Phát biểu trước báo giới hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, khả năng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt là hàng nông thủy sản, công nghiệp chế biến sẽ có mức độ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới và ngược lại những hàng hóa mà Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu, phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu cho lĩnh vực dệt may, da giầy, những mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng sẽ gia tăng được khối lượng xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến, công nghiệp dệt may, da giầy của Việt Nam.
“Có thể nói về tổng thể, những đối tượng được hưởng lợi của Việt Nam thông qua Hiệp định này là khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khu vực công nghiệp chế biến, khu vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy. Đây là những lĩnh vực chắc chắn mà Hiệp định sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực này” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho hay, bên cạnh ký kết Hiệp định, hai bên cũng đã trao đổi về những biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư giữa 2 nước, trong đó đặc biệt Hàn Quốc cam kết sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, rau quả dễ dàng thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc với khối lượng ngày càng tăng và với thuế suất ưu đãi. Phía Hàn Quốc cũng cam kết thúc đẩy các dự án về năng lượng.
“Trong thời gian tới, khi hai bên thực thi Hiệp định chắc chắn quy mô và chất lượng trong hợp tác đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ có những bước tiến nhảy vọt và chúng ta hoàn toàn có điều kiện để tin rằng mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2020 là khả thi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng.
Theo cam kết, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên tháng thứ hai kể từ ngày hai Bên thông báo bằng văn bản qua kênh ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ, hoặc từ ngày nào khác mà hai bên thống nhất.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420%).
Nhờ vậy, Bộ Công Thương nhận xét, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Ví dụ, với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.
Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, theo số liệu năm 2012, chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)