Chi phí 'không thể nói'

Chi phí 'không thể nói'
TP - Taxi dư thừa, xe khách đậu kín trong bến, nhiều chuyến chở gió. Bức tranh vận tải cung vượt cầu đó đáng ra phải kéo giá cước xuống. Nhưng người Việt vẫn phải rút ví, trả tiền cho nhu cầu đi lại vào diện cao nhất thế giới.

Theo con số bất ngờ mà ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra, mỗi người Việt phải bỏ ra 11,8% thu nhập cho nhu cầu di chuyển người và hàng hóa. Con số đó, cao hơn gấp đôi những nước tiên tiến, lắm tiền, nhiều của như Mỹ, châu Âu và Nhật. Điều đó có nghĩa là những nhu cầu thiết yếu khác, sự tích lũy để phát triển của người Việt bị thắt chặt, bó hẹp.

Một chiếc xe khách lăn bánh cần các khoản chi chính: Khấu hao xe, nhiên liệu, nhân công, chi phí quản lý và thuế, phí. Các khoản đó cộng với lợi nhuận hình thành nên giá. Nhưng đó là công thức cơ bản. Ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nói rằng, DN vận tải đang phải chịu đủ thứ dày vò. Sự dày vò khổ sở nhất lại là những chi phí “không thể nói”. Thực ra, những khoản chi “không thể nói” đó có đâu lạ lẫm. Mãi lộ nhiều nơi, xét giấy chớp nhoáng; chi phí bôi trơn để xin cấp lốt, cấp tem mào cho xe (cánh lái xe kháo nhau có khi đến hàng trăm triệu đồng); rồi chuyện “đón tiếp” đoàn thanh tra khi đã vào mùa... Những chi phí như vậy, khó nói vì không nhiều bằng chứng; nói ra, coi chừng vạ miệng.

Giá xăng dầu giảm đến 9 lần mà giá cước đứng im; rõ ràng, các DN đang ăn trên lưng hành khách, không thể nào bao biện. Nhưng giá như, DN giảm được gánh lo về những chi phí khó nói, họ sẽ rảnh rang để nghĩ đến người tiêu dùng. Những chi phí đi đêm, bôi trơn trong bối cảnh luật lệ chưa nghiêm đó còn làm méo mó ngành vận tải, đẩy các DN vận tải vào cuộc cạnh tranh khốc liệt “trong đêm”.

Câu chuyện xăng dầu giảm giá, cước vận tải đứng im còn có nguyên nhân từ cơ chế quản lý giá xăng dầu. Xăng dầu được điều tiết bằng quỹ bình ổn giá, nhưng lại nhảy nhót liên hồi. Việc các DN vận tải không dại gì mà chạy theo sự đỏng đảnh của giá xăng dầu không phải là không có lý. Mỗi lần tăng giảm giá, họ phải kê khai, phải bỏ vé và in lại, phải dừng xe để điều chỉnh đồng hồ... Thành ra, xăng dầu giảm giá, giá cước vận tải đứng yên nên mặt hàng thiết yếu khác mà vận tải cõng theo như lương thực thực phẩm không “hưởng lợi” gì từ giá xăng dầu. Vì thế, mục tiêu bình ổn thị trường bằng giá xăng dầu cũng không đạt được.

MỚI - NÓNG