Mới đây, Tổng Giám đốc Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đức Siemens là Joe Kaeser đã đến Mátxcơva gặp Tổng thống Putin.
Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận những phương hướng cụ thể đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác Nga - Đức, đặc biệt là giữa Siemens và Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom.
Ông Kaeser khẳng định với Tổng thống Putin là Tập đoàn Siemen dự định sẽ phát triển hơn nữa hoạt động của mình tại Nga. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chú trọng đến việc hợp tác dài hạn với Nga trong lĩnh vực đầu tư và sẽ duy trì mối quan hệ tin cậy với giới doanh nghiệp Nga”. Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin, các nhà lãnh đạo Siemens đã gặp riêng Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denisov Manturov.
Tổng thống Putin và các đại gia kinh tế Đức Grube (trái) và Kaeser (phải)
Tiếp theo ông Kaeser, một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn đường sắt Đức Deutsche Bahn là Friedrich Rauch tuyên bố, chỉ nay mai sẽ đến Mátxcơva để thảo luận kế hoạch tiếp tục làm ăn ở Nga.
Ông Rauch còn tiết lộ là Chủ tịch Tập đoàn Deutsche Bahn – ông Rudiger Grube - cũng dự định trong thời gian tới sẽ đích thân đến gặp Tổng thống Putin và tiếp đó là gặp Tổng Cục trưởng đường sắt Nga Vladimir Akunin (một nhân vật thân cận với Tổng thống Putin và vì thế bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt).
Hàng nghìn công ty Đức, Italia, Anh, Hà Lan, Pháp và nhiều nước châu Âu khác đang hoạt động tại Nga hoặc sống dựa vào mối giao thương giữa Nga với châu Âu.
Nhiều nhà doanh nghiệp lớn khác của Đức tuy không đề cập trực tiếp đến việc mở rộng việc hợp tác với Nga nhưng không đồng tình với việc trừng phạt Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây dành cho tờ Die Welt, các nhà lãnh đạo các hãng Deutsche Post, Adidas và ThyssenKrupp đều coi chủ trương trừng phạt Nga của Phương Tây là hành động “thiển cận”.
Nhưng không chỉ các doanh nghiệp lớn của Đức mới quan tâm đến việc tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Nga. Mới đây, theo tin đăng tải trên tờ The Financial Times, Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Total của Pháp hiện đang thảo luận với Lukoil - Tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất của Nga - về kế hoạch cùng hợp tác nghiên cứu và khai thác dầu từ đá phiến dầu tại vùng Bazhen của Nga, nơi có trữ lượng đá phiến dầu được Bộ Năng lượng Mỹ đánh giá vào loại lớn nhất thế giới. Nga có ý định khai thác loại năng lượng phi truyền thống này để thay thế những mỏ dầu truyền thống đang dần cạn kiệt ở Siberi.
Hoạt động của Total tại Nga không chỉ giới hạn trong mối quan hệ với Lukoil. Total vừa tăng phần của mình trong Công ty Novatek của Nga lên 16%. Đáng chú ý 23% cổ phần trong Novatek thuộc về nhà doanh nghiệp Nga Gennadi Timchenko, một nhân vật rất thân cận với Tổng thống Putin. Nhưng cũng như trong trường hợp Vladimir Akunin đã nói đến ở trên, ông Timchenko chỉ bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt chứ không nằm trong “danh sách đen” của châu Âu. Điều này chứng tỏ lập trường của châu Âu trong vấn đề trừng phạt Nga mềm mỏng hơn nhiều so với lập trường của Mỹ.
Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì hiện nay có hàng nghìn công ty Đức, Italia, Anh, Hà Lan, Pháp và nhiều nước châu Âu khác đang hoạt động tại Nga hoặc sống dựa vào mối giao thương giữa Nga với châu Âu. Họ kiếm được không ít tiền nhờ hoạt động này. Tình trạng hoà nhập kinh tế sâu rộng khiến bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào của châu Âu nhằm vào Nga đều sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai phía. Trong bối cảnh đó, những động thái của một số công ty lớn của Đức và Pháp nhằm tiếp tục mở rộng quan hệ làm ăn với Nga là điều tất yếu.