Châu Âu gửi thông điệp đến Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quan chức phụ trách đối ngoại của châu Âu đang cố gắng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, sau khi phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị phản ứng mạnh.
Châu Âu gửi thông điệp đến Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan ảnh 1

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 14/4. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 14/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm kiểm soát đảo Đài Loan bằng vũ lực là việc không thể chấp nhận được và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với châu Âu.

Quan chức phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell sau đó nhắc lại quan điểm của bà Baerbock khi chuẩn bị bài phát biểu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự kiện này bị huỷ vì ông mắc COVID-19.

“Hành động leo thang quân sự ở eo biển Đài Loan, nơi 50% thương mại của thế giới đi qua mỗi ngày, sẽ là viễn cảnh kinh hoàng đối với toàn thế giới”, bà Baerbock nói. Ngoại trưởng Đức khẳng định rằng điều đó sẽ gây ra “những hậu quả không thể tránh khỏi” đối với các lợi ích của châu Âu.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau khi thăm Trung Quốc tuần trước, nhằm thể hiện sự thống nhất của châu Âu trong chính sách với Bắc Kinh, Tổng thống Pháp Macron cảnh báo châu Âu chớ nên bị kéo vào một cuộc xung đột ở Đài Loan (Trung Quốc) vì “nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc”.

Dù quan điểm này không mới, nhưng thời điểm phát biểu và sự thẳng thắn của nhà lãnh đạo Pháp khiến nhiều quan chức phương Tây không hài lòng.

“Quan điểm của Liên minh châu Âu (về Đài Loan) là nhất quán và rõ ràng. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được”, Reuters dẫn ông Borrell nói trong bài phát biểu đã chuẩn bị trước.

Ông Borrell cũng cho biết, quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc sau này phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có nỗ lực dùng ảnh hưởng của mình để tìm ra một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine hay không.

“Sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không nói là không thể, để EU duy trì quan hệ tin cậy với Trung Quốc, điều mà tôi muốn nhìn thấy, nếu Trung Quốc không đóng góp cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị dựa trên việc Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine”, ông Borrell nói.

Ngoại trưởng Đức cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Nga gần đây cho thấy “không quốc gia nào có ảnh hưởng lên Nga nhiều hơn Trung Quốc”.

“Điều tốt là Trung Quốc đã gửi tín hiệu về việc tham gia tìm kiếm giải pháp. Nhưng tôi phải nói rõ ràng rằng tôi băn khoăn vì sao Trung Quốc đến nay vẫn chưa đề nghị Nga dừng lại. Chúng ta đều biết Tổng thống Putin có cơ hội làm như vậy bất kỳ lúc nào ông ấy muốn”, bà Baerbock nói.

Trên thực tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan xung đột Ukraine, nhưng cho rằng chính Kiev và phương Tây đã khước từ cơ hội đó.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG