'Chat GPT không mang lại cảm xúc cho độc giả'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là những vấn đề thực tiễn được các diễn giả, chuyên gia nêu bật tại Diễn đàn “Chat GPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay” diễn ra tối 20/4, do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức, trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023.

Dù rất thông minh, Chat GPT không hiểu chữ Nôm

Mở đầu diễn đàn, PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết một số công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đình đám đã xuất hiện nhiều năm trước, tuy nhiên thời điểm đó nó lại không gây cơn sốt như hiện tượng Chat GPT.

Còn hiện nay Chat GPT gây cơn sốt lớn vì liên quan đến ngôn ngữ, trong khi đối với chúng ta ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, mọi hoạt động đều liên quan đến ngôn ngữ.

'Chat GPT không mang lại cảm xúc cho độc giả' ảnh 1

PGS.TS Đinh Điền trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Ngô Tùng.

“Chúng ta muốn làm bất cứ thứ gì, đầu tiên phải có thông tin. Trước đây chúng ta hay dùng Google để tìm thông tin và nhận được hàng triệu kết quả, còn Chat GPT được học từ hàng trăm thứ tiếng, hàng trăm triệu cuốn sách nên nó là tri thức của toàn nhân loại”, PGS.TS Đinh Điền dẫn chứng lợi thế vô cùng lớn của Chat GPT trong tìm kiếm tri thức nhân loại.

Dẫu vậy, không phải Chat GPT không có hạn chế. Ông Điền cho rằng cần nhận thức khi nào AI này đúng, khi nào sai để cân nhắc sử dụng.

Ông đơn cử, công nghệ này được huấn luyện bởi hàng trăm triệu tài liệu, hàng trăm thứ tiếng nhưng trong đó có những tài liệu mang tính chất đặc thù ở Việt Nam thì nó không thể biết được.

“Khi hỏi Hải đội nào được cử ra Hoàng Sa sớm nhất, nó trả lời: Hải đội 146 được cử ra Hoàng Sa năm 1956. Điều này sai, bởi thực tế từ thế kỷ 17, 18 nhà Nguyễn đã cử Hải đội đến Hoàng Sa. Rõ ràng Chat GPT không thể biết được điều này bởi vì những văn bản liên quan viết bằng chữ Nôm. Hoặc đi sâu về mặt văn học, ngôn ngữ thì công nghệ trên cũng không thể hiểu được”, PGS.TS Đinh Điền nêu ví dụ.

Không thể đem lại cảm xúc

Chia sẻ thêm về những lợi ích cơ bản của Chat GPT, Ths. Nguyễn Minh Huấn, thành viên thường trực triển khai chương trình Trí tuệ nhân tạo TPHCM giai đoạn 2020–2030 cho rằng, mỗi người có thể nhờ Chat GPT chọn một chủ đề độc giả quan tâm, sau đó viết đề cương rồi đi vào chi tiết từng chương, đề mục và dần hoàn thành một tác phẩm chỉ với việc đưa ra những mục tiêu cho nó.

“Với những ưu thế đó, lĩnh vực xuất bản, hay các nhà văn, các nhà xuất bản cũng nhận thấy có một sự đe dọa tiềm tàng bởi tác giả có thể là bất kỳ ai, có thể sản xuất tác phẩm vào bất kỳ thời điểm nào để đưa lên và cạnh tranh”, ông Huấn trao đổi.

Ông nói thêm, việc nâng tầm Chat GPT không phải để nó ngang hàng với nhà văn, mà để nhìn nhận mặt lợi và hại của công nghệ mới để sử dụng tốt nhất trong các lĩnh vực, đặc biệt là để viết văn.

“Khi chúng ta viết văn bằng cảm xúc của mình thì các tác phẩm sẽ lay động, gây xúc cảm cho người đọc. Chat GPT không thể làm được chuyện đó, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay. Ý nghĩa diễn đàn hôm nay là ở việc chúng ta tiếp nhận việc công nghệ đó có khả năng làm được gì, độc giả có thể hiểu được một tác phẩm thuần túy không hoàn toàn do con người chúng ta tạo ra, mà do nhiều yếu tố mang lại. Để từ đó mình nhìn nhận, tiếp thu tốt nhất những giá trị cuộc sống trong quá trình tiếp nhận một quyển sách, một áng văn chương, chứ không phải chỉ lợi dụng Chat GPT để tạo ra những tác phẩm “mì ăn liền”, ông Huấn bày tỏ.

'Chat GPT không mang lại cảm xúc cho độc giả' ảnh 2

Anh Lê Hoàng Thạch trao đổi.

Trao đổi về giọng đọc của AI, anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE (VoiZ FM) cho biết Chat GPT có thể giúp rút ngắn thời gian đọc rất nhiều, tuy nhiên nó sẽ không đem lại cảm xúc. Trước vấn đề này, đội ngũ VoiZ FM để nó đọc những cuốn sách về kinh tế tài chính, tuy nhiên với bản chất là những thuật toán nên Chat GPT “lên xuống” rất đều đặn và theo một mô típ nên dễ khiến chúng ta mệt khi nghe.

Vì vậy, đơn vị này mới chỉ giới hạn trong việc cho AI đọc những mẩu tin tức ngắn khi độc giả chưa kịp cảm thấy nhàm chán, còn với những quyển sách dài hơn, đòi hỏi cảm xúc thì vẫn cần giọng đọc của những nghệ sĩ lồng tiếng (voice talent) đọc và sau đó có đội ngũ hậu kỳ kỹ lưỡng nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.

“Giọng đọc AI cho đến hiện tại vẫn chưa thể thay thế cho con người, đặc biệt là về mặt cảm xúc”, anh Thạch khẳng định.

'Chat GPT không mang lại cảm xúc cho độc giả' ảnh 3

"Shark" Khoa chia sẻ tại diễn đàn.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Quỹ đầu tư Lê Group Ventures phân tích thêm, Chat GPT là một công cụ AI dựa trên nền tảng big data để tổng hợp lượng kiến thức mà không một cá nhân hay một tổ chức nào có thể tổng hợp một cách nhanh và hiệu quả đến vậy.

"Thực tế, hiện nay nhiều công ty trẻ và cả những con người truyền thống đã dùng Chat GPT để tạo ra content (nội dung). Đương nhiên nó cũng làm việc hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều", vị doanh nhân trẻ đồng thời là đại sứ Văn hóa đọc của TPHCM, chia sẻ.

Cùng nhóm cộng sự sắp ra mắt dự án sách Chạm thức, BTV, người dẫn chương trình truyền hình Võ Huỳnh Tấn Tài chia sẻ sự chạm thức này được đặt trong mối giao thoa với câu chuyện Chat GPT được bàn tại diễn đàn.

“Tôi nghĩ rằng Chat GPT hay bất kỳ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nào có thể tổng hợp được một nguồn dữ liệu rất lớn và mang đến nhiều giá trị, nhưng để chạm và đánh thức những cảm xúc, những giá trị thì bắt buộc nó vẫn phải là những giá trị từ trong thực tiễn, từ trong chính mỗi chúng ta. Và đâu đó trong lát cắt của văn hóa đọc, văn hóa viết vẫn tồn tại một giá trị vô hình như vậy”, nhà báo Tấn Tài bày tỏ.

'Chat GPT không mang lại cảm xúc cho độc giả' ảnh 4

Bạn trẻ tham khảo tại gian hàng sách trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc. Ảnh: Ngô Tùng.

MỚI - NÓNG