Chậm

Chậm
TP - Việc Bộ Y tế đến thời điểm này chưa có động thái nào khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với tác hại của phẩm màu vàng tổng hợp E102 vốn được dùng phổ biến trong nhiều loại thực phẩm để tạo màu vàng chỉ có thể nói bằng hai từ: “Quá chậm”.

Do có nhiều ưu điểm nổi trội so với phẩm màu vàng tự nhiên như lâu hỏng, màu rất đẹp, bắt mắt, phẩm màu vàng tổng hợp E102 được đưa vào sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực mỹ phẩm, dược phẩm, và thực phẩm. Những chiếc bánh nướng vàng ươm, những cục bơ vàng óng, những sợi mỳ ăn liền vàng ngậy, hóa ra nhờ công năng E102.

Nhưng gần đây, các nhà khoa học dần phát hiện một loạt tác dụng ngoại ý của E102, gây không ít phiền toái về sức khỏe cho người dùng nếu đưa vào cơ thể một lượng vượt quá ngưỡng nào đó. Đầu tiên là Nhật Bản, quê hương của các loại mỳ gói ăn liền, tiếp đến là hàng loạt nước châu Âu, rồi đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc, nơi thì cấm dùng E102 để tạo màu vàng trong thực phẩm, nơi yêu cầu phải ghi cảnh báo lên nhãn thực phẩm.

Bình tĩnh là một đức tính đáng quý. Ai cũng biết mỗi chất đều có mặt lợi và hại, hại trong sản phẩm cụ thể nào và hại cụ thể với ai; vì thế, phải cần thì giờ để tìm hiểu thấu đáo. Rồi có thể quy định của các nước trên chỉ là hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước họ và, vì thế, cần tham khảo tiêu chuẩn và ghi nhãn của một tổ chức trung gian quốc tế là Ủy ban Codex.

Tuy nhiên, lập luận như thế không có nghĩa kết luận của các nghiên cứu không được xét đến, không được quan tâm đúng mức. Lập luận như thế không có nghĩa bỏ qua khuyến cáo trên nhãn như Nhật Bản và EU đã và đang làm. Trong lúc ta chưa đủ sức để kiểm tra cụ thể độc tính và liều dùng E102 trong thực phẩm, việc áp dụng quy định của các nước, nếu tập quán sử dụng sản phẩm ở Việt Nam cũng tương tự, đâu có thừa hoặc quá sớm nếu đứng trên quan điểm vì sức khỏe người tiêu dùng?

Đã đến lúc, Bộ Y tế cần sớm chỉ đạo tìm hiểu E102 có trong các sản phẩm tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là trong mỳ gói ăn liền. Đã đến lúc, Bộ Y tế cần sớm trả lời câu hỏi “Vì sao E102 bị cấm tại Nhật và hạn chế ở nhiều nước khác mà Bộ Y tế Việt Nam vẫn cho phép lưu hành?”.

Vì sức khỏe của người tiêu dùng, cần thay đổi luật hoặc quy định về sử dụng phẩm màu trong thực phẩm, cần tiếng nói của các nhà khoa học về tác hại của E 102. Việc thay đổi luật cần thời gian. Nhưng trong lúc chờ luật, đề nghị ban hành ngay quy định, nếu dùng E 102 phải ghi rõ khuyến cáo trên nhãn. Đặc biệt, cần hạn chế và tiến tới cấm sử dụng E102 trong thực phẩm, nhất là trong mỳ ăn liền và sản phẩm cho trẻ em.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG