Câu hỏi về sự mẫn cán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau điều chỉnh giá xăng dầu, nhiều cửa (xăng dầu) tự động mở cửa trở lại. Điều này cho thấy, chỉ cần thiếu bàn tay “nhạc trưởng”, vấn đề đã xảy ra. Đủ ban bệ vào cuộc họp tìm giải pháp, chỉ vì lỡ nhịp do…nghỉ Tết.

Cần phải nói rõ lại rằng, chắc người có trách nhiệm chưa lường hết tình huống khi bỏ qua thời điểm điều chỉnh giá vào đúng mồng 1 Tết (1/2) giữa bối cảnh xăng dầu thế giới tăng, không “chấp” kỳ nghỉ Tết của Việt Nam. Cho đến hiện nay, Bộ Công Thương chưa chính thức công bố liệu có ra văn bản đề xuất xin điều chỉnh giá vào ngày nghỉ hay không? Nhưng nếu không, chứng tỏ đơn vị này thiếu độ nhạy với thị trường. Việc đưa cơ quan quản lý thị trường xử lý tình huống hoặc đổ lỗi (cho cơ quan chức năng không báo cáo tình hình dự trữ hàng) chỉ là một cách thanh minh. Người dân có quyền đặt câu hỏi về sự mẫn cán và kỹ năng quản trị của những người giữ trách nhiệm, khi vô tình để xẩy ra tình trạng nhiều cây xăng dầu đóng cửa (dấu hiệu) găm hàng (tại một số địa phương).

Câu hỏi về sự mẫn cán ảnh 1

Tác giả: Đình Thắng

Nên nhớ, cả thế giới đã trải qua nhiều năm đối mặt với dịch bệnh, sự linh hoạt trong điều hành là câu chuyện nằm lòng với các nhà quản trị. Ngay cả những dự báo tăng trưởng kinh tế, cũng cần có nhiều kịch bản. Những tin tức thế giới tác động tới giá cả xăng dầu diễn biến từng giờ với những người nối mạng. Người dân thì có thể “còn mồng, còn Tết”, chứ tâm thế nhà quản trị không thể xả hơi tư duy. Chuyện “của nợ” Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và doanh nghiệp xăng dầu chỉ chú trọng lợi nhuận (găm hàng chờ tăng giá) rất cũ, do vậy mong những nhà quản trị đừng vin cớ để làm mờ vai trò của mình.

Nói như vậy để các kỳ điều hành giá xăng dầu tới, sẽ chỉ nên đề cập tới vai trò chính của bộ ngành liên quan. Các giải pháp như tăng nguồn cung (đẩy mạnh công suất Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn; tăng nhập khẩu); kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để doanh nghiệp trục lợi; điều hành linh hoạt đều đã được đưa ra. “Nhạc trưởng” hãy hành động, chứ đừng chỉ ra “khẩu dụ”. Bây giờ cũng hết “mồng” rồi, một năm mới nhiều thách thức, cần sự tập trung cao độ của người nắm trong tay quyền điều hành.

Ngày mai (15/2), các chuyến bay quốc tế cũng hoạt động trở lại như trước khi dịch bệnh diễn ra. Cơ bản các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường. Cuộc sống nói chung sẽ dần trở lại bình thường (sẽ không còn là bình thường mới). Và như vậy, trách nhiệm trước “cuộc sống bình thường” đè nặng lên vai mọi người dân, chắc chắn trước hết là các nhà chức trách. Trong đó, vấn đề điều hành, giám sát biến động nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng (đặc biệt là xăng dầu)…, chắc chắn rất cần các nhà quản lý, điều hành bám sát, linh hoạt để tránh xáo trộn như từng xảy ra trong tuần qua.

MỚI - NÓNG