Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ 10 năm trước-Kỳ 4

Câu chuyện về các vệ sĩ Việt Mỹ

Các vệ sĩ Mỹ
Các vệ sĩ Mỹ
TPO - Toàn bộ tầng 11 Khách sạn Năm sao Fairmont Olimpic dằng dặc thênh thang như một ngách phố là nơi nghỉ của Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Tôi nhận thấy không phải nút bấm ở hệ thống cầu thang màu đỏ hiển thị ở con số 11 không phải lúc nào cũng sáng! Điều này chỉ có thể là những người phụ trách an ninh của Việt Nam và Hoa Kỳ mới biết được mà thôi? Có thể là hạn chế người đến tầng 11? Có thể là không thể đến tầng 11 là nơi ở của Thủ tướng Việt Nam vào một cái giờ không thích hợp nào đó? vv... và vv...

  

 Có điều hơi kẹt đối với nhóm ký giả đi theo đoàn là tại vị trí cuối tầng 11 ấy lại là Busenis Center (mà tôi tạm gọi tắt là phòng B.C) một cái phòng rộng có đặt nhiều máy FAX và nhiều màn hình computer để có thể tác nghiệp dễ dàng. Mỗi bận lên tầng 11 để meo miếc, vừa ra khỏi cầu thang là tôi đã, lần đầu thì cứng cả người bởi hai vệ sĩ Mỹ, mà lạ, tinh người da đen như hai ông hộ pháp, mình có cố nhón chân lên thì cũng chỉ đến nách họ kèm kè kè đến đến phòng B.C. Đó là những vệ sĩ của cơ quan an ninh Mỹ làm nhiệm vụ trực gác nơi ở của Thủ tướng Việt Nam.

 Không rõ họ có bao nhiêu người nhưng lần nào ló lên chỗ cầu thang này bất luận vào buổi tinh mơ hay khuya khoắt đều bị kèm như thế.  Ngó cụ bị hành nghề của họ mới hãi: Vòng bụng vốn đã bự lại có một cái đai đen sì quặp chặt trên đó lỉnh kỉnh những là súng những dùi cui bộ đàm dự trữ, những đèn những còng... Cũng có khi hai ông hộ pháp ấy lại ục ịch cứng đơ trong bộ comlê đen thẳng tắp nhưng trên vành tai lại trắng ởn chiếc cần của một máy bộ đàm mà thoáng qua cũng biết đấy là dân an ninh!

 Họ kèm tôi đến phòng B.C để trao cho một phụ nữ Mỹ tên là Barbara người cũng hơi sồ sề và cực tốt bụng. Mỗi khi có ký giả Việt Nam, bà đều nhã nhặn hỏi cần gì và không quên mang tới một cốc cà phê hoặc chè tuỳ yêu cầu của từng người. Lại thông thạo kỹ thuật máy móc. Bàn máy nào trục trặc gì đó , không như các B.C ở những nơi tôi tới là chỉ khách sang bàn khác, bà chỉ tí toáy một tẹo là đã đâu vào đó. Có lẽ mối thiện cảm đầu tiên khi đến nước Mỹ là cánh ký giả chúng tôi giành cho bà Barbara này chăng?

Một bận tôi vừa ló ra khỏi cầu thang như thế, kè kè tôi sang phòng B.C chỉ có một ông hộ pháp, thay cho người thứ hai là một đậm chắc dong dỏng thoạt ngó qua cũng biết là người Châu A. Anh chàng đi bên tôi một quãng rồi quay sang cười thân mật chào anh... 

Tôi ngạc nhiên, anh vệ sĩ này nói tiếng Việt tuy lơ lớ nhưng tròn vành rõ chữ lắm. Ngạc nhiên hơn khi nghe những âm sắc Việt tiếp theo…  Lâm quê ở Bình Thuận.  Lâm sang Mỹ từ hồi còn bé tí... Quê Lâm ở Bình Thuận. Việc mưu sinh của ba má Lâm hồi đầu mới tới đất Mỹ cũng chả phải dễ dàng gì. Có một thời gian dài cả nhà phải đi làm thuê. Nhưng giờ nhà Lâm cũng đơ đỡ.

Ba má Lâm có một quy định ngặt nghèo khắt khe với mấy anh em Lâm là ra đường nói thứ tiếng chi thì mặc, nhưng đã ở nhà, mặc dù thời gian cả nhà với nhau cũng chả có bao nhiêu nhưng dứt khoát phải nói tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ!

Xứ Mỹ, có lẽ có hai ngành để chui vô không đơn giản đòi hỏi tự thân phải ngoài cố gắng chăm chỉ phải rành nghề, phải tinh thông công việc là nghề luật sư và cảnh sát! Trở thành nhân viên an ninh của Phủ Tổng thống càng không phải đơn giản! Nhưng Lâm trong số rất ít người Việt đã vượt qua được.

Nước Mỹ mênh mông. Nước Mỹ chằng chịt các thứ luật lệ, thậm chí quái gở khó chịu cho không ít người... Nhưng nước Mỹ có một hành lang, một lối đi thông thoáng cho những người có tài của 134 quốc gia  nhập cư vào đất Mỹ gần hai trăm năm nay! Lâm từ Washington được cử về Seattle làm nhiệm vụ. Lâm có biết việc Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ, nhưng cứ ngỡ là về Seattle để bảo vệ cho một yếu nhân nào đó. Mà nước Mỹ thì mỗi ngày có vô khối các VIP viếng thăm. 

Tôi cũng chả ngạc nhiên khi lưng vốn của Lâm về quê cha đất tổ về nơi chôn rau cắt rốn có không nhiều nhặn lắm thậm chí méo mó do Lâm phải đứng, phải nghe ở phía chỉ có gió độc một chiều quá lâu... Lâm chưa hiểu chuyện ai cũng có thể đầu tư làm ăn ở trong nước... 

Chuyện Nguyễn Cao Kỳ về nước thì Lâm biết nhưng Lâm chưa biết ông Kỳ đã được đón tiếp  thậm chí là trọng thị ở trong nước ra sao, và cả việc ông Kỳ còn đầu tư làm ăn ở đảo Tuần Châu như thế nào, cả chuyện ông Kỳ vác gậy đi đánh gôn ở sân gôn Đồng Mô Ngải Sơn quê hương của ông... Lâm thực sự ngạc nhiên và thích thú khi nghe những chuyện đại loại như thế bên nhà!

Một sự mà tôi thấy lạ là khách sạn này đó quyết định cho một đầu bếp người Việt cỡ métđôten ở một khách sạn sang trọng trực tiếp nấu một bữa cơm thường của người Việt cho Thủ tướng. Cơm trắn , thịt rim, canh chua thôi nhưng là thời trân sau những buổi tiệc tùng ngoại giao căng thẳng.

Mà người Việt này là người hồi ấy đã bỏ nước ra đi...Một vinh hạnh mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến... Câu đó của người bếp trưởng, của người thợ Việt có đôi tay vàng ấy không phải nói trước khi nấu mà sau khi được ông chủ khách sạn mừng vui báo rằng Thủ tướng Việt Nam ăn rất ngon miệng!

(Còn tiếp)



MỚI - NÓNG