Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ 10 năm trước

Kỳ 2: Gay cấn cuộc họp báo đầu tiên

Thủ tướng Phan Văn Khải
Thủ tướng Phan Văn Khải
TPO - Chín giờ sáng, giờ Mỹ cũng là 9 giờ tối bên nhà, chuyên cơ đáp xuống Seatac của thành phố Seatttle thuộc bang Washington.

Tuỳ tùng và báo chí phải ra bằng lối khác! 

Lần đầu tiên buộc phải tụt giày, cởi áo vét để vào một cái rổ nhựa. Máy vi tính xách tay moi ra để vào một cái rổ khác. Nếu có điện thoại di động lại phải thêm một cái rổ nữa. Xong cứ đứng đấy mà xếp hàng mà đợi làm thủ tục nhập cảnh cũng như hải quan. Trước khi sang đây, lần đầu tiên tôi phải tới một bộ phận của Sứ Quán Mỹ ở đường Ngọc Khánh đợi phỏng vấn để xin thị thực (VISA). Phỏng vấn xong lại hẹn một hôm khác để lấy hộ chiếu trước khi nộp 100 USD tiền lệ phí thị thực. Tất tật đều phải chấp hành nếu muốn đi Mỹ nếu muốn vào đất Mỹ.

… Ngó qua chương trình, tôi hối hả quay xuống tầng trệt của khách sạn. Tại phòng Metropole sẽ diễn ra cuộc họp báo lần đầu tiên Thủ tướng đặt chân tới đất Mỹ.  Dường như cái kênh đầu tiên, cầu nối đầu tiên với nước Mỹ, với công luận, dư luận Mỹ mà Thủ tướng sử dụng chính là báo chí? 

 Đã có nhiều cuộc gặp gỡ báo chí trong chuyến thăm nhưng ấn tượng có lẽ khó quên là cuộc họp báo sau bốn tiếng đồng hồ đặt chân đến nước Mỹ tại khách sạn Fairmont Olimpic của Seattle vào trưa ngày 19 tháng 6.

Cùng dự với Thủ tướng có Phó thủ tướng Vũ Khoan, Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, ông Trần Xuân Giá và người phát ngôn Nguyễn Kinh Quốc.

Sau câu của người lo công việc lễ tân buổi họp báo ở  khách sạn Fairmont Olympic bây giờ là các câu hỏi, xin mời... tôi đã không đếm hết những cánh tay giơ lên. Lúc ngó lướt qua danh sách những ký giả đăng ký dự họp báo, đến lượt tôi tới sớm  mà còn phải ký vào vị trí chót của trang thứ hai khổ A4.

Ấn tượng buổi họp báo

Sát sạt, riết róng. Thôi thì đủ các loại cung bậc. Giàu là những ngưòi cộng sản, nghèo không phải là cộng sản (!?) Việt Nam có xung đột tôn giáo, đàn áp tôn giáo (!?) vv... và vv... 

Nghe những câu đại loại như thế bất giác tôi nhớ đến, ai nhỉ, phải rồi, ông Phó giáo sư Đại học bang New York, Kenneth Herrmann, ba tuần trước ông đã tới Việt Nam để kịp có mặt trong cuộc hội thảo Mỹ Việt đã trả lời một tờ báo thế này, đại ý là trong chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải sắp tới đến Mỹ, chắc Thủ tướng sẽ gặp cả những ý kiến lẫn thái độ quá khích ! Nhưng với bản tính cởi mở và nhân hậu vốn có của người Việt, thì vị Giáo sư ấy coi đấy là một dịp để đối thoại chứ không phải để đối đầu. Hình như vị Phó Giáo sư nọ đã tiên lượng đúng? Về cuộc họp báo này, tôi nghĩ không gì chuẩn không cần chỉnh khi trích lại bài viết của người ở chung phòng với tôi trong thời gian ở Hoa Kỳ, Nguyễn Anh Tuấn, khi đó phụ trách Báo điện tử VietnamNet.

Bài viết của Nguyễn Anh Tuấn có tựa Ứng xử của chính khách.

... Trước ngày đoàn lên đường, nhiều người Mỹ đã nói rằng Thủ tướng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời để trình bày trước công chúng Mỹ một bức tranh về Việt Nam mới. Trong ký ức của những người Mỹ tuổi trung niên, Việt Nam là hình ảnh không dễ chịu về một cuộc chiến tranh. Đối với giới trẻ Mỹ, Việt Nam là một cái tên xa xôi. Chuyến thăm độc nhất vô nhị (theo lời của Thomas Jandle, một cây bút của tờ Washington Times) của Thủ tướng một nước từng là kẻ thù của nước Mỹ sau 30 năm đang có cơ hội trở thành tâm điểm của giới truyền thông, thường là thích đưa tin về các ngôi sao điện ảnh hay nhạc pop
Những người Mỹ  gốc Việt có tâm huyết đối với đất nước như ông Bùi Kiến Thành thì hy vọng Thủ tướng sẽ đưa ra hình ảnh mới của Ban lãnh đạo Việt Nam và thông điệp của một nước Việt Nam đổi mới. Đó thực sự là một thách thức lớn. Một gương mặt thân thiện. một nụ cười cởi mở với những thông điệp ngắn gọn có sức thuyết phục, chấp nhận sự thách thức... theo nhiều người là hình ảnh cần có của một chính khách mà công chúng Mỹ muốn thấy lúc này.

Và thực tế, Thủ tướng Việt Nam đã chứng tỏ được bản lính cần phải có. Trong mỗi cuộc gặp chính khách hay giới kinh doanh hoặc giới truyền thông, ông đã gửi tới người Mỹ một bức thông điệp của hoà giải, hợp tác ngoại giao và kinh tế, chia xẻ những mối quan tâm chung. David Lamb, một nhà báo Mỹ  kỳ cựu đã nhận xét tất cả những thông điệp đó đều đã có những hiệu quả tốt gây được những phản ứng tích cực. 

Theo giới báo chí Mỹ, Thủ tướng đã trình bày gương mặt cởi mở của Việt Nam với giới tư bản Mỹ và phản ứng của doanh nhân nước này qua báo chí khá thuận lợi. Người Mỹ cũng thích cái cách ông thẳng thắn thừa nhận giữa hai nước vẫn còn khác biệt trên một số vấn đề và không né tránh đối thoại. Dvid Lamb nhận xét, vì thế tôi thấy hình ảnh mà Thủ tướng để lại trong giới truyền thông là hình ảnh của một nhà lãnh đạo nghiêm túc, mang trên vai một sứ mệnh nghiêm túc là thúc đẩy mối quan hệ hai nước tiến về phía trước... Nhưng bản lĩnh của một chính khách không chỉ thể hiện ở lời nói mà quan trọng hơn là phong thái ứng xử trong những tình huống khó xử. Thậm chí là gai góc. Và không ít lần nhà lãnh đạo Việt Nam này đã phải đối mặt với điều đó.

 Lần thử lửa đầu tiên là cuộc ra mắt báo giới quốc tế khi Thủ tướng vừa đặt chân đến Seattle. Một người Mỹ gốc Việt tự xưng là phóng viên VietNam News Network đã đứng lên hỏi những câu mang tính áp đặt và chỉ trích về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Lẽ thường người được hỏi có quyền từ chối. nhưng Thủ tướng vẫn kiên nhẫn trả lời. Thủ tướng nhận xét người hỏi này chưa bao giờ trở lại Việt Nam. Bạn nên về nước để tận mắt chứng kiến những tiến bộ mà Việt Nam đạt được kể từ khi đất nước ta thống nhất. Không biết lời khuyên của ông có làm cho người hỏi khó xử? Và khi có một nhà báo người Việt hét lên trong phòng họp báo You are liar trước khi bị những người tổ chức phía Mỹ mời ra ngoài, Thủ tướng vẫn tỏ thái độ bình thản trước thái độ cư xử khiếm nhã của một người cùng chung dòng máu Việt. Sự phẫn nộ trào dâng trong tất cả chúng tôi khi ấy. Về việc này, một người Việt, Trần Lê Minh ở California, sau này đã phát biểu trên BBC rằng, đời thuở nhà ai mang danh nhà báo đi phỏng vấn người ta vừa nghe trả lời được một câu đã đứng lên chửi người ta là đồ nói dối giết người. Thủ tướng Khải có bảo nhân viên an ninh đuổi ra cũng không có gì là quá đáng! Mà Thủ tướng không bảo thì nhân viên an ninh Mỹ cũng tống cổ ra... 

Buổi tiệc Galadiner tại Washington DC có một sự cố xảy ra. Một người Mỹ hắt rượu vào Thượng nghị sĩ Jonh McCain, người cùng với Thượng nghị sỹ Jonh Kerry đóng vai trò đi đầu vận động cho tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người này gọi ông là kẻ phản bội và hét lên những lời khó nghe với Thủ tướng. Tình huống có vẻ rất khó kiềm chế như vậy đã thử thách khả năng ứng phó của một nguyên thủ quốc gia. Thủ tướng Phan Văn Khải nhún vai đi lên bàn chủ toạ và cười với mọi người Đời là thế đấy!

Quả là bất ngờ và thú vị. Mọi người cũng cười theo, cái cười thông cảm. Có lẽ, trước đó, cả vị nghị sĩ thân thiện và kẻ quá khích chưa từng nghĩ tới điều này. Trước lúc ông lên đường, nhiều người đã từng lo ngại với một vài hiềm khích của cả Mỹ và Việt đang đợi ông ở bên kia bán cầu. Và rồi, sự đón tiếp nồng ấm của nước Mỹ đã minh chứng Thủ tướng Việt Nam đã thành công, nhất là trong ứng xử. 

Kiên nhẫn và dường như cả chịu đựng nữa… Thủ tướng vượt qua các câu hỏi một cách bình thản. Nhìn sắc diện Thủ tướng vẫn bình thường,  thậm chí thông tin còn cởi mở hơn nữa là  khác? Tôi thấy các đồng nghiệp cùng đi từ trong nước sang phải lật vội sổ tay để ghi con số tù nhân đã được ân xá trong một thời gian ngắn chẳng hạn?

Tôi ngó xuống mặt đồng hồ để bắt gặp một thói quen cố hữu là không đổi không chỉnh giờ để có cảm giác quê hương gần gụi mỗi khi đi công cán xa: Ba giờ sáng giờ Hà Nội!

Kết thúc buổi họp báo, tôi đọc thoáng thấy những nét luyến tiếc thậm chí có cái gì đấy như không hài lòng của các bạn đồng nghiệp Mỹ? Nhưng biết làm sao được, dung lượng câu hỏi như thế mà thời gian chỉ có hạn! Rồi sẽ ở Washington, ở New York, ở Boston... những câu hỏi đại loại vậy hẵng còn tiếp tục? 

 (Còn tiếp)
MỚI - NÓNG