Câu chuyện đẹp xây dựng mạng xã hội lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những tin tốt, câu chuyện đẹp của tuổi trẻ được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng, khích lệ, góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi, thái độ của thanh niên hiện nay.

Tại chương trình Giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam những câu chuyện đẹp” với chủ đề “Lan tỏa tin tốt, câu chuyện đẹp, xây dựng mạng xã hội lành mạnh” do T.Ư Đoàn chỉ đạo báo Tiền Phong thực hiện ngày 2/11, những người trẻ tiêu biểu, tiên phong trong hoạt động tình nguyện, việc làm tử tế đã có bàn luận sâu về cách giúp họ kết nối, chia sẻ thông điệp để tạo sức hút với giới trẻ.

“Dọn rác” trên mạng xã hội

Năm 2018, Ban Bí thư T.Ư Đoàn triển khai Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội”, nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với phương châm “Lấy cái đẹp - dẹp cái xấu”; “Lấy cái tích cực - đẩy lùi cái tiêu cực”, đến nay, trải qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, đã có hàng triệu câu chuyện đẹp của thanh niên được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội.

Câu chuyện đẹp xây dựng mạng xã hội lành mạnh ảnh 1

Chủ nhiệm dự án Hà Nội Xanh Nguyễn Tiến Huy, Đại úy Lò Văn Long và Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội Trịnh Xuân Thủy (từ trái sang) giao lưu tại chương trình

Tại buổi giao lưu, anh Trịnh Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Thanh niên hiến máu Hà Nội cho biết, Hội đã tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin, quyền lợi, điều kiện của người hiến máu. Khi tiếp cận với hình thức truyền thông đa kênh thay vì chỉ tuyên truyền trực tiếp, Hội Thanh niên vận động hiến máu đã thay đổi cả về chất và lượng.

Chương trình Giao lưu trực tuyến “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp” sẽ được phát sóng 3 số, lần lượt với các chủ đề: “Lan tỏa tin tốt, câu chuyện đẹp, xây dựng mạng xã hội lành mạnh”; “Phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc trên không gian mạng”; “Tin tốt, câu chuyện đẹp, góp phần vun đắp tình yêu Tổ quốc”.

Anh Thủy nhớ mãi câu chuyện mới bước chân đi tuyên truyền trực tiếp người dân đăng ký hiến máu cách đây 10 năm. “Ngày đó, mình tình cờ lên xe buýt để vận động tuyên truyền. Thấy mình mặc áo đỏ, có vài vị khách trên xe đã hỏi: Thế các cháu, các em đi bán máu ở đâu về thế?... Đa số người dân chưa biết đến hoạt động hiến máu và có phần hiểu sai ý nghĩa, những người làm công tác vận động”, anh Thủy kể.

Nhìn lại sau 10 năm sau, anh Thủy thấy mọi người đã có thiện cảm hơn rất nhiều về hoạt động này, chính nhờ vào mạng xã hội. Đặc biệt, số lượng người đăng ký hiến máu tăng mạnh. Trong giai đoạn 2014 - 2015, Hội đã vận động được 35 - 40 nghìn đơn vị máu. Khi tiếp cận và tuyên truyền mạnh với các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, Hội đã đạt mốc 60 đến 65 nghìn đơn vị máu trong năm 2022.

Tham gia giao lưu, bạn Nguyễn Tiến Huy, Chủ nhiệm dự án Hà Nội Xanh cho biết, hiện dự án đã giúp làm sạch trên 150 điểm đen về rác nhờ tinh thần chung tay của 400 tình nguyện viên. Huy cho rằng, ở mỗi video mà nhóm đã chia sẻ trên tài khoản TikTok có gần 2,5 triệu lượt yêu thích, đã chứa đựng sự chân thành, kỷ niệm đẹp, câu chuyện thật, muôn màu cảm xúc của tình nguyện viên. Điều này đã góp phần đẩy nhanh và rộng thông điệp của nhóm tới mọi người dân, thanh niên cả nước về nhiệm vụ chung tay bảo vệ môi trường từ chính thói quen hằng ngày.

“Những việc làm của mình cùng tình nguyện viên của Hà Nội Xanh đôi khi bị ví như muối bỏ biển, làm sạch hôm nay mai lại đầy ra hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Huy nói.

Tuy nhiên, với Huy và các bạn trẻ khác, khi lội xuống dòng sông còn nhiều thứ kinh khủng hơn là những câu nói tiêu cực ấy. Vì vậy, việc nỗ lực dọn rác ở trên các dòng sông cũng sẽ giúp nhóm Hà Nội Xanh “dọn rác” tiêu cực trên không gian mạng.

Xây dựng thế giới ảo lành mạnh

Đồng tình với những tác động tích cực mà mạng xã hội đã đem lại cho hoạt động tuyên truyền của các dự án xã hội, tình nguyện ý nghĩa, song, Đại uý Lò Văn Long - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên đưa ra quan điểm về việc xây dựng một “thế giới ảo lành mạnh”.

Theo Đại úy Long, một thế giới ảo lành mạnh đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ - những người tiêu thụ thông tin chính trên không gian mạng.

“Đầu tiên, các đoàn viên, thanh niên cần tránh sử dụng ngôn ngữ thô tục, tấn công cá nhân hoặc phê phán một cách không xác đáng. Tôn trọng người khác giống như cách bản thân muốn được tôn trọng. Mỗi bạn trẻ hãy trở thành “đại sứ” lan tỏa những giá trị tốt đẹp, ý thức và kiến thức trong cộng đồng và trên mạng xã hội”, anh Long nói.

Từ thực tiễn hoạt động sôi nổi của dự án “Cùng em đến trường - 1.000 đồng mỗi ngày, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên, Đại uý Long cho biết thêm, việc tạo cơ hội cho thanh niên trong lực lượng tham gia các dự án xã hội, sẽ giúp họ củng cố thêm vai trò trên không gian mạng từ việc tạo, chia sẻ thông điệp lành mạnh. Từ đó, thúc đẩy sự tham gia và tương tác giữa các chiến sĩ trong toàn lực lượng và bạn trẻ cả nước về những tin tốt, câu chuyện đẹp.

MỚI - NÓNG