Hải Dương:

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn

TPO - Sự cố cháy rừng ở khu vực Đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã được lực lượng chức năng khống chế, ngăn cháy lan. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cảnh báo thời tiết hanh khô và lượng lớn cây rừng bị gãy đổ sau bão số 3 nên nguy cơ cháy rừng rất cao, ở cấp độ 4, mức nguy hiểm.

Ngày 6/10, UBND thị xã Kinh Môn cho biết, lực lượng liên ngành địa phương đã khống chế ngọn lửa vụ cháy rừng ở khu vực đền Cao An Phụ, phường An Sinh (Kinh Môn, Hải Dương).

Đám cháy rừng đã được khoanh vùng và không còn lan ra khu vực xung quanh. Lực lượng chức năng cũng đã tổ chức cắm chốt, cử lực lượng canh giữ ngăn chặn lửa bốc cháy tái phát.

Trước đó, chiều tối 5/10, người dân thị xã Kinh Môn phát hiện ngọn lửa bốc lên dữ dội tại khu rừng đặc dụng thuộc địa phận phường An Sinh. Ngọn lửa ngày càng dữ dội, có dấu hiệu cháy lan hướng tới khu di tích Đền Cao An Phụ.

Thị xã Kinh Môn đã huy động gần 1.000 người gồm lực lượng quân đội, công an, cảnh sát PCCC, dân quân tự vệ, cán bộ các phường, xã trên địa bàn cùng nhân dân tham gia khống chế, ngăn chặn cháy rừng.

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn ảnh 1

Ngọn lửa bùng lên dữ dội rực sáng cả cánh rừng ở phường An Sinh (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tối 5/10.

Anh Chính (34 tuổi, ở thị xã Kinh Môn) cho biết, đứng cách xa cả 2-3km cũng thấy vạt rừng lớn trên núi cháy rực sáng một vùng, kèm theo cột khói lớn. Lửa cháy lan hướng lên khu vực di tích lịch sử Đền Cao An Phụ. Hàng trăm người dân hỗ trợ lực lượng chức năng phương án dập lửa, ngăn cháy lan.

Theo anh, khu rừng bị cháy trước đó cây cối trên núi do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cành lá bị gãy đổ la liệt trên mặt đất. Sau một tháng, cành lá gãy đổ khô nên khi gặp sự cố hỏa hoạn ngọn lửa cháy lớn và lan nhanh.

Đại diện lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, hỏa hoạn xảy ra buổi tối, kết hợp với lớp thực bì dày và lối đi trên một số điểm ở cánh rừng này bị cành cây đổ gãy chắn nên gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Quá trình triển khai chữa cháy, một xe cứu hỏa được điều động tới di tích lịch sử Đền Cao An Phụ phun nước ngăn lửa cháy lan vào di tích. Đến sáng 6/10, ngọn lửa đã được khống chế, khoanh vùng chống cháy lan trên rừng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, khu vực Hải Dương không mưa, thời tiết khô hanh, độ ẩm không khí thấp kết hợp với lượng vật liệu cháy rất lớn do cây rừng bị gẫy đổ sau bão số 3 (bão Yagi) nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa sẽ lan nhanh.

Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh và Kinh Môn ảnh 2

Hình ảnh rừng tại phường An Sinh (thị xã Kinh Môn) cháy lan tối 5/10.

Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đề nghị Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 43/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng... Rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Kiểm tra phương tiện, máy móc thiết bị và dụng cụ chữa cháy rừng bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại trụ sở hạt, trạm (chòi canh lửa) trong thời gian khô hanh. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ 15h-19h hằng ngày tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm và tổ chức lực lượng xử lý kịp thời...

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.