Việc này sẽ đem lại lộ trình tốt nhất cho công tác khuyến khích, xúc tiến đầu tư nước ngoài và trong nước ở Việt Nam. Việc nghiên cứu kỹ các quy tắc xuất xứ cần được thực hiện với sự giúp đỡ của giới chuyên gia kỹ thuật, kết hợp với phân tích chi tiết các công ty và nhà sản xuất có sản phẩm được xuất khẩu tới các nước TPP, nhằm xác định những cơ hội tốt nhất cho đầu tư mới đối với các khu vực kinh tế và cụm công nghiệp của Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu có thể được chia sẻ với chính quyền các tỉnh, thành phố để họ có điều kiện phát triển kế hoạch đầu tư ưu tiên dựa trên các cơ hội mới mà TPP đem lại, cũng như áp dụng các nguồn lực cụ thể cho khu vực của mình.
Ông Scherbey cho rằng, một thách thức lớn mà các quy tắc xuất xứ trong TPP đưa ra liên quan đến sự phức tạp hoàn toàn về mặt kỹ thuật. Các doanh nghiệp và cán bộ nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thấu hiểu và áp dụng hiệu quả các quy tắc xuất xứ trong các trường hợp cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cũng như các tổ chức kinh doanh, đơn vị giáo dục cần cung cấp các chương trình thông tin và đào tạo mới. “Việt Nam sẽ không gặt hái được các lợi ích của TPP trong phát triển kinh tế nếu dung thứ cho gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả”, ông nói.
Nhân dịp 12 nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ ký TPP ngày 4/2 tại New Zealand, Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) hôm qua nhận định: Dịp này đánh dấu một mốc son quan trọng đối với hội nhập kinh tế khu vực. Các tiêu chuẩn mang tính dẫn nhịp của TPP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư tại 12 nước.