Mua sắm Chính phủ: Hết thời của riêng doanh nghiệp Việt

Mua sắm Chính phủ: Hết thời của riêng doanh nghiệp Việt
TP - Khi TPP có hiệu lực, lĩnh vực mua sắm của cơ quan Chính phủ Việt Nam phải mở cửa với nhà thầu trong khối. Điều đó đồng nghĩa lĩnh vực này sẽ không còn là sân chơi riêng với doanh nghiệp, hàng hóa trong nước - vốn được ưu tiên khi đấu thầu.

Theo kết quả đàm phán TPP của Việt Nam, về cơ bản các gói thầu mua sắm Chính phủ sẽ đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu trong các nước TPP. Hiệp định không cho phép áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên với các nhà thầu, hàng hóa và dịch vụ trong nước (trừ các trường hợp được bảo lưu). Thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu đấu thầu phải minh bạch. Đồng thời, các nước có quy định để đảm bảo liêm chính trong đấu thầu và xây dựng quy trình xem xét khiếu nại của nhà thầu.

Quy tắc trên không áp dụng với các gói thầu vì mục đích an ninh - quốc phòng, mua sắm của chính quyền địa phương (các tỉnh thành); các gói thầu có giá trị dưới một mức nhất định và trường hợp khác được bảo lưu trong đàm phán.

Không chỉ với TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng có chương về mua sắm Chính phủ. Như vậy, khi cả 2 hiệp định này có hiệu lực, sân chơi mua sắm Chính phủ sẽ không còn của riêng các doanh nghiệp, nhà thầu, hàng hóa trong nước, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu tới từ các nước thành viên (như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp…). Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam, khi hiện vẫn có quy định ưu tiên doanh nghiệp, hàng hóa trong nước với đấu thầu mua sắm Chính phủ.

Ngoài ra, trong TPP, mua sắm công ở cấp địa phương chưa được bàn tới, nhưng có thể sẽ được đem ra bàn trong 3-5 năm khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, với EVFTA, Việt Nam phải mở thị trường mua sắm công tới cấp tỉnh (trước mắt là một số địa phương lớn), còn các nước EU mở cho Việt Nam tới cấp tương đương xã, phường.

Ông Lê Văn Tăng, Trưởng khoa danh dự Khoa Quản lý Đấu thầu (Học viện Chính sách và Phát triển), nguyên Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) – đơn vị tham gia đàm phán TPP về mua sắm Chính phủ, đánh giá: Việc mở cửa với lĩnh vực đấu thầu mua sắm Chính phủ sẽ giúp lĩnh vực này cạnh tranh và minh bạch hơn. Theo ông Tăng, dù hiện Luật Đấu thầu quy định quá trình đấu thầu phải minh bạch, nhưng khi thực hiện vẫn chưa nghiêm, nên vào TPP và EVFTA điều này sẽ được khắc phục. Đồng thời, quy định của pháp luật trong lĩnh vực mua sắm Chính phủ theo hiệp định phải thay đổi theo hướng minh bạch.

Với TPP, ông Tăng cho biết, những lĩnh vực lâu nay vốn đóng cửa với nhà thầu ngoại sẽ phải mở, các nhà thầu Việt Nam phải vươn lên. Cùng với đó, các nhà thầu Việt Nam cũng có cơ hội vươn ra thị trường các nước thành viên trong hiệp định (như Mỹ, Nhật Bản…). Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam có cơ hội được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa cạnh tranh, chất lượng tốt hơn.

Tuy vậy, ông Tăng cũng cảnh báo, có tận dụng được lợi thế hay không đều do bản thân mỗi nước. “Anh không tranh thủ vươn lên sẽ không tận dụng được thuận lợi do TPP mang lại, thậm chí thuận lợi trở thành khó khăn”, ông Tăng nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).