Cải tạo chung cư cũ khó vì đâu?

Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm việc với phóng viên Báo Xây dựng.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm việc với phóng viên Báo Xây dựng.
Sau Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, Nhà nước đã đưa ra hàng loạt các cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương về cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, do các vấn đề liên quan đến quy hoạch, tâm lý người dân cũng như những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng mà cải tạo chung cư cũ giống như “món nợ” gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhiều chính sách nhưng chưa hiệu quả?

Chủ trương về cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ lâu nay đã được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), giúp người dân từng bước đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội. Năm 2000, Hà Nội đã từng bước triển khai, làm thí điểm việc cải tạo, xây dựng lại các khu chưng cư cũ. Đến năm 2001, chủ trương được minh chứng bằng việc cải tạo các khu: Kim Liên, Nguyễn Công Chứ, Văn Chương. Tuy nhiên, trên thực tế việc cải tạo vẫn được triển khai rất chậm. Cho đến năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp.

Để đẩy nhanh chủ trương cải tạo chung cư cũ, năm 2014, Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014. Trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Năm 2015, Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Dù vậy, sau cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội năm 2017, tiến độ của việc cải tạo vẫn còn quá chậm, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra.

“Vướng” ở đâu?

Trao đổi với PV về những vướng mắc trong cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện việc cải tạo lại các khu chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và khó nhất là vấn đề dân số. Theo điều tra khảo sát, hiện dân số tại một số khu cao hơn nhiều so với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Các khu Ba Đình, Giảng Võ, Thành Công được phép xây cao trên 20 tầng, theo quy hoạch, khu này có khoảng 10 nghìn người nhưng hiện hữu đã hơn 10 nghìn người.

Vướng mắc nữa là quy định pháp luật yêu cầu chủ đầu tư tự cân đối tài chính, nhưng nếu tự cân đối theo quy hoạch phân khu thì DN làm lỗ lớn. Các chủ đầu tư cho biết, theo tính toán nếu tự cân đối tài chính làm thì mỗi khu phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng…

Không chỉ vậy, khi cải tạo toàn khu chung cư, Nghị định cũng quy định chưa cụ thể bởi ngoài khu chung cư còn xen kẽ rất nhiều nhà dân xây riêng lẻ, họ đa phần nhà không sổ nhưng khi chủ đầu tư làm, họ đòi đền bù với giá cao.

Cùng với đó, hiện tầng 1 các khu chung cư, người dân cơi nới mặt đất để buôn bán, kinh doanh nên khi triển khai xây dựng, họ đòi đền bù cả phần diện tích đó. Ngoài ra, nhiều khu đất trống gần chung cư, có nơi xây trường học, trụ sở làm việc nên khi làm họ cũng đòi đền bù giá cao.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết: Hiện TP đã di dời được khoảng 60% cư dân tại các khu chung cư có nguy hiểm (cấp độ D), còn 1 số hộ tại vị trí tầng 1 chưa chịu di dời do chưa thoả mãn phương án đền bù.

“Do những khó khăn trong vấn đề quy hoạch nên rất nhiều DN đã lập quy hoạch xong rồi “bỏ cuộc”. Hiện không chỉ riêng có HUD6 tại Khu Tân Mai mà rất nhiều DN khác đã vào xin TP nghiên cứu phương án nhưng do có nhiều vướng mắc nên họ cũng tự dời đi” , ông Dũng chia sẻ.

Đối với 19 DN được giao lập quy hoạch chi tiết việc cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn TP, ông Dũng cho biết: Hiện tất cả đã báo cáo lần 1, một số đã báo cáo lần 2. Sau khi có quy hoạch sẽ họp các ban ngành để thống nhất sau đó xây dựng cơ chế. Những quy hoạch này sau khi làm xong cũng sẽ được công khai để người dân được biết.

TP cũng đang tập trung đẩy mạnh vấn đề quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư tính toán hệ số đền bù cho phù hợp để sớm di dân, triển khai dự án.

Chia sẻ về việc tháo gỡ khó khăn trong cải tạo các khu chung cư cũ, TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị cho biết: Hà Nội từng đưa ra giải pháp cấp đất cho chủ đầu tư xây dựng ở khu khác để cải tạo chung cư theo cơ chế của Nhà nước. Năm 2013, 2014, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, đưa danh sách một số khu dân cư để ưu đãi nhà đầu tư và có 1 số nhà đầu tư đã tham gia nhận. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị nhiều năm nay vẫn chưa được như mong muốn.

Ông cũng cho rằng, cần định hình rõ hơn vai trò trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước phải tham gia vào việc cải tạo xây dựng thì việc cải tạo chung cư cũ mới đảm bảo tính hiệu quả.

TS.Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: Chính sách khi cải tạo cứ 1m2 được đền bù bằng 1,5m2 nhưng dân lại đòi gấp đôi. Diện tích mỗi hộ tại các chung cư cũ chỉ có 20m, nếu gấp đôi sẽ là 40m, nhưng họ đòi 50m mới đủ. Trong khi pháp luật quy định căn hộ chưa đủ 45m thì không được cấp sổ. Như vậy, vấn đề nằm ở tâm lý người dân, Nhà nước phải cho họ quyền tự quyết và có những cơ chế thông thoáng hơn để họ hiểu đúng bản chất vấn đề thì mới làm được.

Theo Theo Báo Xây Dựng
MỚI - NÓNG