Cai nghiện cộng đồng: Hiện thực còn xa

Lương y Phạm Thiên Thư (đứng) hướng dẫn các bạn trẻ tập dưỡng sinh hỗ trợ cai nghiện. Ảnh: T.N.A
Lương y Phạm Thiên Thư (đứng) hướng dẫn các bạn trẻ tập dưỡng sinh hỗ trợ cai nghiện. Ảnh: T.N.A
TP - Cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là cuộc cách mạng thực sự đối với người nghiện tại TPHCM. Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn cai nghiện Bình Triệu tại TPHCM, nói rằng, trước đây, người nghiện bị xem là tội phạm vì họ tàng trữ, sử dụng ma túy, nhưng giờ, xem người nghiện chỉ là những người mắc căn bệnh xã hội và hàng vạn người nghiện đang được điều trị tại cộng đồng.

Vắng như… trung tâm cai nghiện

Chị Hồng Phượng từng là Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội nên nắm khá rõ các thời kỳ cai nghiện tại TPHCM. Chị nói: “Những năm trước thành phố có mấy chục trung tâm cai nghiện độc lập với nhau, đặt ở nhiều tỉnh thành, chỉ để cai tập trung cho thanh niên thành phố. Thú thực chúng tôi làm việc rất vất vả, trung tâm không còn một chỗ trống”. Theo chị Phượng, chủ trương đưa người nghiện về nhà đã thay đổi cách cai nghiện: “Trước đây trung tâm chúng tôi có quy mô cai nghiện 2.000 người, nay thu hẹp quy mô chỉ cai cho khoảng 50 người mỗi đợt. Các tường cao rào kín được tháo dỡ hết”. 

Trung tâm Tư vấn cai nghiện Bình Triệu tại TPHCM cũng là cơ sở đầu tiên trên toàn quốc được chọn tiến hành thí điểm cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Vào hay ra khỏi trung tâm hoàn toàn do gia đình và người nghiện chủ động làm giấy tờ, thủ tục. Kinh phí trung tâm thu chừng dăm triệu đồng một tháng, để chi tiền ăn, tiền thuốc cho người cai, còn hoạt động của Trung tâm do Nhà nước chi trả.

Dù số giường bệnh là 50 nhưng “hôm nay chỉ có… 7 người đang cai thôi”, chị Phượng nói. Tôi thấy một người đang làm thủ tục xin ra dù mới xin vào trung tâm được 3 ngày, nhưng bù lại, người khác đang làm thủ tục để vào cai. Vào hay ra ai nấy đều tâm trạng.

Chỉ đông dịp lễ

Sự vắng vẻ của Trung tâm khiến tôi không khỏi bùi ngùi. Người nghiện trong thành phố, theo chị Phượng, còn khoảng 10.000, Nhà nước mở hẳn trung tâm này để giúp cai nghiện tự nguyện, nhưng hôm nay chỉ thấy 7 bệnh nhân.

“Phải có nghị lực mới cai tự nguyện được. Mô hình chúng tôi rất mới, không có giam giữ, không có hàng rào. Nhiều anh vào cai, thèm thuốc, phi thân qua hàng rào. Đấy, như bệnh nhân hôm nay, mới vào ba ngày, chịu không được, xin về, chúng tôi cho về. Tự nguyện mà”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng

 “Phải có nghị lực mới cai tự nguyện được. Mô hình chúng tôi rất mới, không có giam giữ, không có hàng rào. Nhiều anh vào cai, thèm thuốc, phi thân qua hàng rào. Đấy, như bệnh nhân hôm nay, mới vào ba ngày, chịu không được, xin về, chúng tôi cho về. Tự nguyện mà”.

Nhiều người than họ không có tiền, chỉ ở lại trại thời gian ngắn, không đủ thời gian để các bác sĩ điều trị dứt điểm. “Những đợt Tết, lễ, sợ bị thu gom truy quét như ngày xưa, người ta xin lánh vào đây, chật kín Trung tâm. Sau lễ lại về hết, vắng hoe”. Chị Phượng cũng kể: “Người nghiện phần nhiều nghèo lắm. Thu tiền uống Methadone 8.000đ/ngày theo quy định mà cũng không có đóng, nói gì cai nghiện phải chi phí mấy triệu đồng/tháng”. 

Uống Methadone… trừ bữa

Cũng trong khuôn viên của Trung tâm, trái ngược với cảnh 7 bệnh nhân lẻ loi ở tầng trên cai nghiện đang xem ti vi, tập thể hình, dưới tầng trệt người ra vào uống Methadone không ngớt. Các bác sĩ cho biết, chất này được dùng thay thế cho ma túy, “phải uống hằng ngày, uống xong thì không thèm ma túy nữa”. Một bác sĩ chuyên cai nghiện ở trung tâm được xã hội hóa nói: “Methadone thực chất cũng là một chất gây nghiện, nhưng so với ma túy thì nó ít độc hại hơn”.

Chị Phượng bảo: “Nhiều em nghiện nặng dùng ma túy tới vài triệu đồng/ngày, không có không được. Chuyển sang dùng chất thay thế là Methadone, mỗi ngày chỉ tốn chưa đến chục ngàn đồng, giảm sức ép kinh tế cho các gia đình người nghiện”. Một người nghiện rất vui vẻ nói: “Giờ em không dùng ma túy nữa, em chỉ uống Methadone”. Hỏi ra, anh bạn này chưa tìm được việc làm nên chọn phương án thay thế cầm cự.  

Mỗi ngày có gần vài trăm người nghiện đến Trung tâm Tư vấn và cai nghiện Bình Triệu để uống Methadone, một thứ chất gây nghiện rẻ tiền thay thế cho ma túy.  Còn những phòng ốc điều trị tốt, hay khu phục hồi vui chơi sau cai nghiện thì ít người ngó tới.

Cần những tấm lòng

Một bác sĩ tại Trung tâm cai nghiện nói với tôi: “Bệnh nhân chưa quen với mô hình cai nghiện tự nguyện, thậm chí họ sợ rằng đó là những cái bẫy giăng ra, khi vào đó rồi sẽ bị giữ lại như hồi trước. Họ rất ngại đến các trung tâm”. Một người nghiện bảo: “Mười đứa bọn em thì chín đứa bị chính bố mẹ bắt đem vào trại. Nghe lời bố mẹ nên chấp nhận ở trại thôi!”. 

Cai nghiện cộng đồng: Hiện thực còn xa ảnh 1

Các học viên cai nghiện tự nguyện đang chơi thể thao, giải trí

Trong khoảng 10.000 người nghiện được trả về TPHCM để cai nghiện tại cộng đồng, theo các chuyên gia, chỉ khoảng 2.000 trong số họ được đưa trở lại trại cai nghiện vì không có gia đình hoặc gia đình từ chối không muốn nhận. Số còn lại hiện sống hòa đồng cùng mọi người.  Chị Hoa, một nhân viên xã hội ở quận Bình Thạnh, nói: “Phường nào cũng đón nhận dăm bảy thậm chí vài chục người nghiện. Chúng tôi đang giúp các cháu hòa nhập”. Chị Tư, nhân viên xã hội nói: “Tôi phụ trách một tổ dân phố, tiếp nhận bốn cháu bị nghiện. Các cháu mới đều rất ngoan”.  

Chị Hoa tâm sự: “Tôi nghĩ việc giúp các cháu cai nghiện và hòa nhập cộng đồng là việc chung của cả xã hội. Bản thân tôi đang lập dự án để dùng 3.000m2 đất của gia đình ở huyện Củ Chi xây dựng một làng Lành làm nơi sinh hoạt, sản xuất, chữa bệnh cho các cháu. Cái khó nhất hiện nay là việc làm cho các cháu”. 

Tôi theo chân các chị đến một cuộc sinh hoạt tại cộng đồng. Khoảng gần chục người nghiện, đều là thanh niên, đến trụ sở của khu phố từ sớm để nghe thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng là một lương y, trưởng môn Phathata dưỡng sinh tâm thể được chị Hoa mời về giúp các bạn tập các bài tập nâng cao sức khỏe, sức đề kháng. Các bạn đều rất vui. Bạn H. một chàng trai mặt mày sáng sủa tiết lộ: “Từ khi em về, được uống Methadone nên không nghiện nữa. Em khỏe rồi anh ạ”. Anh bạn này cũng nói: “Em nghe bảo nếu tích cực tham gia các hoạt động ở phường thì sẽ được phường xin cho chân chạy xe ôm”.

Tâm sự của người ở câu lạc bộ

Tôi thấy một người mẹ đưa con đi uống thuốc Methadone tại trung tâm cai nghiện. Người con nổi cáu không lý do, đánh rất mạnh vào đầu người mẹ. Bà mẹ òa khóc, tủi hờn: “Con giết mẹ thì ai sẽ nuôi con!”.

TPHCM đã có Hội Phòng chống HIV/AIDS, anh Bá một nhân viên làm việc ở Hội nói: “Một số địa bàn chưa có chi hội. Số lượng các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên không nhiều như trước vì kinh phí ngày càng hạn hẹp”. Bà Trần Thị Xuân Hải, Tổng Thư ký Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM, nói với tôi rằng, bà đã tham gia công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ từ thời kỳ đầu tiên và chứng kiến việc phát hiện ca nhiễm đầu tiên của Việt Nam: “Đó là một bệnh nhân nữ, được phát hiện năm 1989, đến nay chị vẫn còn sống khỏe mạnh”.

 Theo bà Hải, các câu lạc bộ phòng chống căn bệnh thế kỷ sở dĩ biến động là do rất nhiều người kinh nghiệm đã qua đời. Một thành viên sinh hoạt câu lạc bộ có thâm niên của hội nói: “Thế hệ của chúng tôi đã chết gần hết, nay câu lạc bộ bổ sung mấy người mới vào nhưng hoạt động không sôi nổi bằng trước kia”, bản thân thành viên này tuy cai nghiện thành công và giúp nhiều bạn khác cai nghiện từ năm 1995, nhưng đến giờ anh cũng chẳng tìm được việc làm gì ổn định.     

7/2015

Bà Trần Thị Xuân Hải – Tổng Thư ký Hội Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM nhận xét: “Trung tâm tư vấn cai nghiện Bình Triệu tại TPHCM chưa thu hút được nhiều người đến cai nghiện xuất phát từ nguyên nhân chính là người đi cai nghiện lâu nay chủ yếu vẫn được cai nghiện bắt buộc, chưa quen với hình thức cai nghiện tự nguyện. Mặc dù nhà nước đầu tư hỗ trợ rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn quen với ý nghĩ đã cai nghiện thì đó là cai nghiện bắt buộc nên rất cần tuyên truyền để người nghiện quan tâm nhiều hơn đến mô hình cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm khi về tái hòa nhập với cộng đồng”.


MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.